Lương chủ tịch tập đoàn Nhà nước cao nhất là 36 triệu đồng

(Dân trí) - Đây là mức cao nhất trong bảng lương cơ bản để xác định quỹ tiền lương viên chức quản lý chuyên trách ở Tập đoàn, Tổng công ty, công ty nhà nước quy định tại Nghị định 51 do Thủ tướng ký ban hành.

Lương chủ tịch tập đoàn Nhà nước cao nhất là 36 triệu đồng

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải công bố mức lương của từng viên chức quản lý lên website.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 51 quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với các cấp lãnh đạo trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Trong đó, mức lương cơ bản đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn kinh tế Nhà nước được quy định ở mức 36 triệu đồng/tháng. 

Cùng vị trí này, mức lương cơ bản tại Tổng công ty đặc biệt là 33 triệu đồng/tháng, Tổng công ty và tương đương là 31 triệu đồng/tháng, tại các công ty loại I, II, III lần lượt quy định tại mức 27 triệu, 25 triệu và 22 triệu đồng/tháng.

Riêng tại Tập đoàn kinh tế Nhà nước, các chức vụ như Tổng giám đốc/Giám đốc hưởng lương cơ bản 35 triệu; thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên chuyên trách, Phó Tổng giám đốc/Phó giám đốc lương cơ bản 32 triệu; Kế toán trưởng lương cơ bản 29 triệu đồng/tháng.

Nghị định cũng quy định, tiền lương, thù lao, tiền thưởng được trả cho viên chức quản lý gắn với mức độ đóng góp vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh và kết quả quản lý, điều hành của viên chức đó theo quy chế công ty.

Quỹ tiền lương, thù lao của viên chức quản lý được xác định theo năm, tách riêng với quỹ tiền lương của người lao động, do công ty xây dựng và trình Nhà nước phê duyệt. Hàng tháng, viên chức quản lý được tạm ứng bằng 80% số tiền lương, thù lao tạm tính tháng đó, 20% còn lại được quyết toán và chi trả vào cuối năm.

Các thông số này được phản ánh trên báo cáo tài chính hàng năm của công ty, hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh.

Ngoài ra, quý I hàng năm, Tập đoàn, công ty nhà nước phải thông báo công khai quỹ tiền lương, thù lao thực hiện, quỹ tiền thưởng và mức tiền lương, thu lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng của năm trước của từng viên chức quản lý trên trang web của cơ quan chủ sở hữu và gửi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp, theo dõi.

Chủ sở hữu sẽ là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong các công ty thuộc thẩm quyền.

Tại Nghị định này, Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan điều chỉnh mức lương cơ bản khi chỉ số giá tiêu dùng tăng từ 10% trở lên so với lần quy định hoặc điều chỉnh gần nhất.

Theo thông tin tại báo cáo kiểm toán năm 2012 của Kiểm toán nhà nước gửi đại biểu Quốc hội, thu nhập bình quân của các chức danh quản lý thuộc khối văn phòng một số tập đoàn, tổng công ty cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân của các đơn vị thành viên trực thuộc.

Tại Tổng công ty Vinafood 1, thu nhập bình quân của lãnh đạo năm 2011 là 56,5 triệu đồng/tháng, khối văn phòng tổng công ty là 28,4 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, mức thu nhập “khủng” hơn được ghi nhận tại Vinafood 2. Lãnh đạo Tổng công ty này nhận thu nhập bình quân 79,7 triệu đồng/người/tháng và khối văn phòng 32,9 triệu đồng/người/tháng.

Bích Diệp