Lương cả tỷ đồng mỗi năm, phi công vẫn "chưa đủ vui"
(Dân trí) - Câu chuyện về tiền lương của phi công người Việt và phi công ngoại quốc đã tồn tại từ lâu... Giới phi công kỳ vọng thời gian tới chênh lệch sẽ được rút ngắn.
Ngày 23/8, Nghị định 64 trong đó có điều khoản xác định nguồn tiền lương bổ sung để trả thêm cho phi công người Việt làm việc cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), được ban hành.
Câu chuyện so sánh mức lương của phi công người Việt Nam và phi công người nước ngoài làm việc trong cùng một hãng không còn mới.
Phi công Việt khấp khởi mừng
Chia sẻ với Phóng viên Dân trí, anh L.H - phi công đã làm việc tại Vietnam Airlines 11 năm - cho biết khi có thông tin sắp được tăng thu nhập ai cũng thấy mừng.
Hiện tại, thu nhập thực tế đã trừ thuế của L.H vào khoảng 1 tỷ đồng/năm. Thuế thu nhập cá nhân của anh thường dao động 350-380 triệu đồng mỗi năm.
L.H cho rằng đó là mức thu nhập tốt, có tính ổn định (ngoại trừ những giai đoạn được coi là biến cố như dịch Covid-19). Khi được hỏi về mong muốn được tăng lương để tương xứng với lương của phi công nước ngoài, L.H cho hay mỗi người sẽ có một định hướng công việc, nhu cầu chi tiêu và yêu cầu về chất lượng cuộc sống khác nhau.
"Là người lao động thì ai cũng mong mình có thu nhập cao hơn. Tôi mong muốn thu nhập của mình tương xứng với các đồng nghiệp khác là người nước ngoài hay phi công người Việt đang công tác tại các hãng bay khác bởi chúng tôi làm việc trong cùng một môi trường với khối lượng công việc tương xứng nhau", L.H nói.
Với những phi công nước ngoài công tác tại hãng, mức lương có sự chênh lệch bởi một số yếu tố như hỗ trợ tiền đi lại, ăn ở cho người xa gia đình… Ngoài ra, L.H cho rằng lương thấp hơn phi công ngoại không có nghĩa là phi công Việt có trình độ không bằng. Thậm chí, không ít phi công Việt có trình độ và bằng cấp tương đồng, thậm chí cao hơn phi công ngoại.
"Có nhiều thời điểm, phi công Việt Nam nhận mức lương chỉ bằng một nửa so với phi công nước ngoài", L.H nói. Ngoài ra, anh cho biết hiện tại, giờ bay của phi công người Việt không quá nhiều nhưng hãng bay vẫn chi số tiền không nhỏ để thuê thêm nhiều phi công nước ngoài. Điều này có thể được lý giải bởi yếu tố tầm nhìn vĩ mô.
Anh hy vọng hãng sẽ có cái nhìn khách quan giữa phi công người Việt, phi công nước ngoài. Cùng với đó là xác định phi công Việt Nam chính là nguồn lao động chính, mang lại sự ổn định trong công tác quản lý nguồn nhân lực cho hãng.
"Tôi hy vọng hãng bay không để "chảy máu chất xám", mất đi nhiều nhân lực tốt dày dặn kinh nghiệm. Tôi mong có sự cải thiện về thu nhập, có chính sách đãi ngộ tốt với người lao động, không riêng phi công", anh bày tỏ.
Nguồn tin khác cho biết hiện tại chỉ có Vietnam Airlines công khai lương của phi công, từ đó có sự so sánh giữa lương của phi công người Việt Nam và phi công nước ngoài.
Còn theo chính sách về bảng lương của Bamboo Airways, mỗi nhân sự có một gói lương khác nhau, được thỏa thuận vào thời điểm ký hợp đồng lao động. Cùng với đó, lương của từng phi công ở hãng này là bảo mật nên không có sự so sánh giữa lương của phi công Việt Nam, phi công nước ngoài.
Theo chia sẻ của một phi công đang làm việc tại Bamboo Airways, phi công nước ngoài thường được phụ cấp từ 500 USD đến 800 USD (khoảng 12-19 triệu đồng) để trang trải tiền nhà. Ngoài ra, bảng lương cụ thể của từng người đều được giữ kín.
Kỳ vọng rút ngắn chênh lệch
Trước khi Nghị định 64 được ban hành, tiền lương của phi công Việt Nam được phản ánh thấp hơn nhiều so với phi công nước ngoài cùng làm việc cho Vietnam Airlines.
Theo đó, tiền lương bình quân của phi công Việt Nam năm 2018 là 124 triệu đồng/người/tháng, bằng 50% tiền lương của phi công nước ngoài là 249,69 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2019, tiền lương của nhóm này là 135,4 triệu đồng/người/tháng, bằng 48% tiền lương của phi công nước ngoài (281,68 triệu đồng/người/tháng) cùng làm việc cho hãng.
Báo cáo của Vietnam Airlines và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước mới đây cho thấy, quỹ tiền lương hiện nay của Vietnam Airlines không đủ bù đắp tiền lương cho phi công Việt Nam.
Cụ thể, tổng số lao động làm việc cho hãng bay này năm 2022 là 6.028 người, trong đó có 4.417 người do hãng trả lương từ quỹ tiền lương theo đơn giá khoán (trong đó có 829 phi công Việt Nam, tiếp viên và lao động gián tiếp là 3.581 người) và 152 phi công nước ngoài do Vietnam Airlines ký hợp đồng với đối tác cung ứng nhân lực (không trả lương trực tiếp cho phi công nước ngoài).
Tổng quỹ tiền lương theo đơn giá năm 2022 của hãng hàng không quốc gia là 1.689 tỷ đồng, mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng (bằng 59% so với phi công nước ngoài - khoảng 145 triệu/tháng), tiếp viên và lao động chuyên môn còn lại là 19,5 triệu đồng/tháng.
Mặc dù số lượng phi công Việt Nam chỉ là 829 người, chiếm 18,8% số lao động do Vietnam Airlines trả lương, nhưng chiếm 50% tổng quỹ tiền lương theo đơn giá.
Trước thực trạng về tiền lương trên và trong điều kiện các hãng hàng không cạnh tranh gay gắt, thu hút lao động phi công, nhất là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường hàng không phục hồi, nhiều phi công Việt Nam đã rời bỏ hãng hàng không quốc gia và chuyển sang các hãng khác.
Tính từ năm 2020 đến nay đã có 35 phi công Việt Nam bỏ việc, một số phi công đang dự kiến thôi việc sau khi kết thúc hợp đồng.
Để bù đắp số lượng phi công Việt Nam thiếu hụt, Vietnam Airlines có thể phải thuê thêm phi công nước ngoài, nhưng việc sử dụng bị động và phải trả chi phí rất cao, gồm tiền lương, tiền thuê nhà, tiền bảo hiểm, tiền phí quản lý...
Nghị định 64 được đưa ra trong bối cảnh Vietnam Airlines đang trong thời gian "chảy máu" nguồn nhân lực phi công do thu nhập thấp. Điều này có thể phần nào giúp hãng giữ chân được các phi công Việt Nam, tiến tới thu hút đội ngũ lao động này, đồng thời giảm khoảng cách thu nhập giữa phi công Việt Nam và phi công nước ngoài.