Lòng tin với các dịch vụ tiêu dùng trực tuyến còn thấp
(Dân trí) - “Từ năm 2016 thương mại điện tử nước ta bước sang giai đoạn phát triển nhanh. Tuy nhiên, giai đoạn phát triển này tiếp tục gặp một số trở ngại lớn, bao gồm lòng tin của người tiêu dùng còn thấp, các dịch vụ thanh toán, tiếp thị trực tuyến và dịch vụ chuyển phát chưa đáp ứng nhu cầu”.
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trong Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2017: “Những xu hướng tiếp thị nổi bật” (Vietnam Online Marketing Forum 2017) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức sáng nay (17/8) tại Hà Nội.
Mạng xã hội trở thành công cụ quảng cáo hiệu quả nhất
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Hưng cho biết: “Mục tiêu của Diễn đàn lần này là thúc đẩy thị trường tiếp thị trực tuyến nói riêng cũng như thương mại điện tử Việt Nam ngày một phát triển, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận những xu thế mới của tiếp thị trực tuyến”.
“Tiếp thị thương mại trực tuyến đang ngày càng phát triển, theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2016 mạng xã hội vượt qua công cụ tìm kiếm để trở thành phương tiện quảng cáo trực tuyến được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất với các tỷ lệ tương ứng là 47% và 41%”, ông Hưng cho biết thêm.
Cũng theo ông Hưng: “Email tiếp tục là kênh quảng cáo được nhiều doanh nghiệp quan tâm (36%). Quảng cáo qua báo điện tử và báo giấy khá ổn định với các tỷ lệ tương ứng là 34% và 20%. Quảng cáo trên truyền hình có xu hướng giảm và ổn định dần ở mức xấp xỉ 10-13%”.
“Riêng với mạng xã hội, đây không những được sử dụng nhiều nhất mà còn được coi là kênh quảng cáo hiệu quả tương đương với công cụ tìm kiếm, 46% doanh nghiệp cho biết quảng cáo trên mạng xã hội đạt hiệu quả cao trong khi tỷ lệ này với công cụ tìm kiếm là 44%”, ông Hưng chia sẻ thêm.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp trên của VECOM cũng phù hợp với một cuộc khảo sát độc lập khác với đối tượng tham gia là các khách hàng cá nhân mua sắm trực tuyến. Có tới 67% khách hàng cá nhân chọn lựa website hay ứng dụng di động để mua sắm sau khi xem bình luận, đánh giá trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội.
Đáng chú ý, trong cuộc khảo sát, yếu tố thứ hai tác động tới quyết định sẽ mua sắm trực tuyến vẫn dựa vào sự giới thiệu của bạn bè và người thân (47%), trong khi các quảng cáo trên báo điện tử, báo giấy và tivi chỉ đứng thứ ba (33%). Tuy nhiên, còn tới 17% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chưa triển khai bất kỳ hoạt động quảng cáo trực tuyến nào.
Ngoài ra, theo một khảo sát khác của VECOM, doanh thu của toàn bộ thị trường quảng cáo trực tuyến đang trên đà tăng trưởng mạnh. Bên cạnh các doanh nghiệp, đông đảo thương nhân là những hộ kinh doanh và cá nhân đã khai thác lợi thế của bán hàng trực tuyến. Thành phần này đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của quảng cáo trên các mạng xã hội.
Bên cạnh những hãng quảng cáo trực tuyến khổng lồ thống trị thị trường thế giới như Google hay Facebook, một số công ty quảng cáo nước ngoài đã chú ý tới tiềm năng to lớn của thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam. Trong đó, một số công ty hàng đầu trong lĩnh vực tiếp thị liên kết (affiliate marketing) và tiếp thị tự động (programmatic marketing) đã hiện diện hoặc có những hoạt động thâm nhập thị trường.
Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Phát triển là vậy, thế nhưng theo đại diện Nielsen Việt Nam - bà Nguyễn Thị Thu Thủy: “Mặt trái của việc tăng trưởng tiếp thị trực tuyến (ước tính 30 – 40%) đó là, quảng cáo tràn lan nhưng không có một quy chuẩn nào. Nó như là việc không có biển báo, không có cảnh sát nên các quảng cáo không phanh được, dễ dẫn đến chết người.”
“Ngoài ra, những người làm truyền thông cũng đang không biết mình làm có hiệu quả không bởi không có một quy chuẩn nào cho quảng cáo. Chưa kể đến việc, quảng cáo có đến được đúng người cần xem không”, bà Thủy nói.
Đồng tình với quan điểm của bà Thủy, người sáng lập một công ty truyền thông, ông Hiếu Orion cho biết: “Những sự phát triển, bùng nổ của thị trường trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ngày xưa khi thị trường nhỏ thì có nhiều cơ hội phát triển hơn. Bây giờ, có quá nhiều người kinh doanh trên mạng, từ đôi dép cho đến ngôi nhà cũng đều rao bán trên mạng”.
“Điều này gây khó khăn, áp lực khá nhiều cho các nhà làm quảng cáo chuyên nghiệp khác. Hiện nay để phát triển thị trường trực tuyến, nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu sâu hơn tới xu hướng tiêu dùng của khách hàng, một trong những yếu tố đầu tiên được quan tâm đó là cảm xúc và niềm tin”, ông Hiếu chia sẻ thêm.
Thế Hưng