Lồng đèn Trung Quốc ế ẩm
(Dân trí) - Dù có thay nhiều mẫu mã nhưng những chiếc lồng đèn pin Trung Quốc vẫn có sự đơn điệu, lòe loẹt và không thể cạnh tranh với lồng đèn trong nước.
Người dùng còn e dè
Chỉ còn hơn mười ngày nữa là đến Tết Trung Thu nhưng phố lồng đèn Lương Nhữ Học, Q.5, TPHCM, khu vực bán lồng đèn lớn nhất miền Nam hiện vẫn chưa thực sự đông khách. Lượng người đến tham quan, chụp ảnh thì nhiều mà mua thì giảm hẳn so với mọi năm.
“Từ Trung Thu 2015, thị trường đã bắt đầu đi xuống, người mua ngày càng ít dần”, chị Nguyễn Thị Hường, chủ gian hàng lồng đèn có vị trí đắc địa nhất, nằm ngay mặt tiền đường Lương Nhữ Học nhận xét.
Kinh doanh mặt hàng này đã nhiều năm, theo chị, đây là mùa Trung thu kém khách nhất. Từ đầu tháng 7 Âm lịch, phố lồng đèn đã bắt đầu tập trung trưng bày, đón khách nhưng đã bước qua tháng 8 Âm lịch, các tiểu thương vẫn chưa bán được 1/3 số hàng đặt về.
“Mặt hàng đèn pin Trung Quốc thì gần như thua trắng rồi, khách hàng thậm chí còn không để mắt đến”, chị Hường nói. Chỉ tay vào gian hàng chỉ thuần bán đèn pin vắng khách, bà chủ này cho biết, năm nay, chủ sạp phải nhập thêm các loại đồ chơi có đèn, bắt mắt để bán kèm nhưng tiêu thụ cũng chẳng bao nhiêu.
Để chinh phục khách hàng, các thương lái Trung Quốc bắt đầu đổi chiến lược, đưa về những mặt hàng sản xuất theo nguyên liệu truyền thống như đèn treo bằng tre, đèn lồng kéo quân bằng vải in nhiều họa tiết… Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều tiểu thương, khách hàng cũng mới chỉ xem vì tò mò chứ lượng mua cũng không nhiều. Khách đến mua lồng đèn pin thì cũng hỏi có phải hàng Việt Nam không mới mua.
Dạo một vòng quanh ngôi chợ đặc biệt này, có thể thấy, khu vực thu hút nhiều khách hàng nhất là những gian bán lồng đèn giấy bóng kính truyền thống. Không chỉ đơn thuần là những mẫu quen như bướm, cá, thỏ, gà, ông sao… thị trường năm nay chứng kiến sự đột phá về mặt mẫu mã của lồng đèn truyền thống. Những thiết kế mới như voi, ngựa… hoặc theo trào lưu như Pikachu, Minion… đều được tạo hình, trang trí đẹp mắt.
Tương tự, khu vực bán lồng đèn ở Chợ Lớn dù nhiều mẫu mã đẹp nhưng cũng ít lượng giao dịch hơn mọi năm. “Hai năm nay, chúng tôi chủ động làm những mẫu mới nên cũng được chú ý phần nào. Những mẫu đèn giấy bóng kính đặc biệt như voi hay Minon có vẻ tiêu thụ tốt hơn”, anh Hứa Lương, tiểu thương lâu năm ở Chợ Lớn nhận xét. Vừa có xưởng làm lồng đèn, vừa chủ động tự kinh doanh, anh Lương cho biết, mỗi vụ lồng đèn, gia đình anh đều thu đủ lợi nhuận để “ngủ đông”, chờ mùa kinh doanh sau nhưng năm nay, tình hình kinh doanh có thể sẽ không như ý.
Lồng đèn sáng tạo lên ngôi
Cùng với sự eo sèo của lồng đèn truyền thống, những chiếc lồng đèn sáng tạo cũng chưa thực sự bùng nổ, dù vẫn được tiêu thụ tương đối tốt. Bà Lâm Thụy Nguyên Hồng, giám đốc sáng tạo Công ty Mỹ thuật Gia Long cho biết, hiện các sản phẩm lồng đèn mang thương hiệu Kibu tiêu thụ ổn định.
Theo bà Hồng, việc sử dụng những vật liệu mới như mút xốp, giấy… sẽ giúp người làm lồng đèn tạo hình đẹp mắt, hấp dẫn trẻ em hơn các vật liệu truyền thống. “Kênh phân phối cũng đóng vai trò quan trọng, nếu lồng đèn đưa vào được hệ thống nhà sách, siêu thị… lượng hàng bán ra có thể đảm bảo hơn”, bà Hồng tư vấn.
Năm nay, Kibu không đổi mới trong thiết kế, giữ nguyên các mẫu đã được đón nhận từ năm 2015 như lồng đèn hình thú, lồng đèn trái cây… nhưng lại đầu tư dòng sản phẩm mới là lồng đèn trống. Các bé có thể cùng ba mẹ lắp ráp lồng đèn và sử dụng nó với hai mục đích, vừa rước đèn, vừa làm trống trong khi rước đèn.
Đầu tư vào sáng tạo không kém là lồng đèn của Kỹ Thuật Mới. Đơn vị này đưa các nhân vật hoạt hình quen thuộc như Oggy, Minion, Siêu nhân… nên khá thu hút trẻ em. Đáng chú ý, các mẫu lồng đèn plastic của Kỹ Thuật Mới còn chứa thông điệp như: em yêu biển đảo, tạo hình các anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Trần Quốc Toản…
“Vẫn biết là thứ đồ chơi bọn trẻ chỉ dùng trong vài ngày của dịp Rằm tháng Tám nhưng cho chúng tiếp xúc với thông điệp này cũng tốt, xem như tích lũy thêm cho con mình vài kiến thức lịch sử”, anh Phạm Hoàng Nam, Quận 10, TPHCM chia sẻ.
Song Quý