1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Lợi nhuận lao dốc, “ông lớn” taxi Vinasun sa thải 9.500 người và đâm đơn kiện đối thủ

(Dân trí) - Trải qua một năm kinh doanh biến động, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm thê thảm, “ông lớn” trong ngành vận tải hành khách – Vinasun đã phải cắt giảm gần 9.500 người lao động. Cùng với những khó khăn trước áp lực từ các đối thủ mới xuất hiện, Vinasun đã đâm đơn kiện Grab vì khuyến mại tràn lan.

Doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh

Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (Mã CK: VNS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2017.

Báo cáo cho biết doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý IV đạt 486,3 tỷ đồng, sụt giảm tới 55% so với cùng kỳ năm 2016. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 41,3 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2016

Luỹ kế cả năm 2017, doanh thu VNS đạt 2.937 tỷ đồng, giảm 35% so với con số 4.519 tỷ đồng đạt được năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng theo đó giảm tới 40% với năm 2016, đạt 187,3 tỷ đồng cả năm 2017.

Mặc dù doanh thu từ hoạt động vận tải bằng taxi vẫn đóng góp chủ yếu trong cơ cấu doanh thu VNS với 2,937 tỷ đồng, song con số này đã giảm mạnh so với mức 4.519 tỷ đồng của năm 2016 (giảm 35%). Điều này phản ánh rất rõ sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình vận tải mới như Uber, Grab… đối với taxi truyền thống như Vinasun.


Lợi nhuận lao dốc, “ông lớn” taxi Vinasun sa thải 9.500 người và đâm đơn kiện đối thủ

Lợi nhuận lao dốc, “ông lớn” taxi Vinasun sa thải 9.500 người và đâm đơn kiện đối thủ

Trong khi đó, hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng mặc dù chiếm tỷ trọng không quá lớn (khoảng 10%) nhưng lại là lĩnh vực có sự tăng trưởng tốt. Nếu như năm ngoái, hoạt động này chỉ mang về cho VNS 67,8 tỷ thì con số này vọt lên 278,5 tỷ đồng trong 2017.

Đồng thời, kỳ này Vinasun đặc biệt ghi nhận tới 566,4 tỷ đồng từ nhượng quyền thương mại và khai thác taxi, trong khi cùng kỳ chưa xuất hiện khoản mục này.

Báo cáo tài chính của VNS cũng đưa ra một con số đáng chú ý cho thấy những khó khăn mà công ty gặp phải năm vừa qua là tương đối lớn.

Cụ thể, số lượng nhân viên nhóm công ty Vinasun vào ngày cuối năm 2017 chỉ còn 7.717 người. Trong khi đó, cuối năm 2016 con số này là 17.160 người. Với việc cắt giảm một số lượng rất lớn người lao động như vậy, chi phí nhân công VNS đã giảm 1.005 tỷ đồng so với năm 2016.

Tại thời điểm cuối năm 2017, tiền và các khoản tương đương của Vinasun giảm nhẹ xuống mức 152 tỷ đồng (đầu năm là 164,5 tỷ đồng); vay và nợ thuê tài chính ở ngưỡng 788 tỷ đồng, giảm mạnh so mức 1,171 tỷ đồng của đầu kỳ.

Vì sao Vinasun kiện Grab?

Ngày 31/1, phương tiện truyền thông trong nước đã đưa tin về quyết định của TAND TP. HCM về việc xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam. Phiên tòa dự kiến diễn ra vào tuần sau, ngày 6/2.

Theo tìm hiểu, Vinasun kiện đối thủ dựa trên quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh. Công ty thu thập đủ bằng chứng bao gồm văn bản, hình ảnh, video… cho thấy Grab vi phạm cạnh tranh thương mại bằng hình thức phá giá mà điển hình trong đó là việc khuyến mại hơn 90 ngày một năm.

Trong khi đó, Việt Nam có Nghị định 37/2006 quy định rõ về việc khuyến mại không quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày. Doanh nghiệp muốn thực hiện khuyến mại phải đăng ký qua Sở Công Thương. Còn Grab tổ chức khuyến mại tràn lan, vượt quá quy định.

Trao đổi với báo chí, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc Vinasun nhiều lần cho biết, hãng sẽ theo đuổi vụ kiện Grab đến cùng vì cách thức làm ăn bát nháo trên thị trường.

Trước đó, với sự xuất hiện của các dịch vụ vận tải mới như Uber, Grab, Vinasun đã phải nỗ lực tìm cách cạnh tranh khá gắt gao. Công ty này liên tiếp triển khai nhiều hoạt động nhằm giữ lại thị phần. Nổi bật năm 2016, Vinasun đã chi 1.015 tỷ đồng đầu tư mua mới phương tiện vận tải, ước tính đến cuối năm hãng sở hữu đội xe khoảng 6.141 chiếc có giá trị lên đến 2.400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giữa tháng 2/2016, hãng đã triển khai dịch vụ xe taxi hạng sang trên ứng dụng riêng. Tại ứng dụng gọi xe này, người dùng sẽ nhìn thấy thêm các mục yêu cầu xe Vcar 4 chỗ và 7 chỗ bên cạnh các loại taxi 4 chỗ, 7 chỗ quen thuộc trước đây.

Mặc dù khá nỗ lực nhưng báo cáo tài chính 2016 và mới nhất là năm 2017 đều cho thấy một bức tranh kinh doanh khá ảm đạm.

Nguyễn Khánh

Lợi nhuận lao dốc, “ông lớn” taxi Vinasun sa thải 9.500 người và đâm đơn kiện đối thủ - 2