Loạt cơ chế đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Chiều 11/1, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ với 93% đại biểu tán thành.

Theo Nghị quyết, thành phố Cần Thơ được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đất đai; quy hoạch; Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Ngoài ra, Cần Thơ cũng được thực hiện cơ chế đặc thù ở dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

Loạt cơ chế đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ - 1

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết (Ảnh: VGP).

Cụ thể về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.

Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

HĐND Thành phố cũng được quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án;

Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định.

Nghị quyết cũng cho phép HĐND Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng; quy hoạch chung đô thị.

Ngoài ra, sau khi ngân sách thành phố đảm bảo đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội, HĐND thành phố được quyết định dùng nguồn còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.

Mức chi không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của Thành phố do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định.

Cần Thơ cũng được thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng các điều kiện: bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của Thành phố và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư sau đây:

Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

Miễn tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất cho thời gian còn lại đối với diện tích đất được thuê để đổ chất nạo vét của dự án.

Nghị quyết cũng nêu rõ, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập phù hợp với các quy hoạch có liên quan, để thu hút dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản. Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm.

Nghị quyết nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Trước đó báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết một số ý kiến cho rằng việc quy định thành phố Cần Thơ được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với mức 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ là khá cao so với mặt bằng giá cả tại địa phương.

Về vấn đề này, ông Cường cho biết để nâng cao năng suất lao động, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Dự thảo Nghị quyết quy định mức thu nhập tăng thêm không quá 0,8 lần. Tuy nhiên, đây là mức trần; căn cứ thực tiễn, chỉ khi thành phố Cần Thơ tự cân đối được ngân sách sẽ xác định mức cụ thể phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương để áp dụng, bảo đảm hài hòa về thu nhập so với các địa phương khác.

Chính sách này, theo ông Cường, cũng đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại TPHCM, Hải Phòng. Vì vậy, để tạo động lực phát triển cho địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép giữ như Dự thảo Nghị quyết.