Loạn giá sữa, tân dược: Cần "thuốc" đặc trị

(Dân trí) - "Thời gian gần đây chúng ta gần như bất lực với giá thuốc, sữa, dịch vụ y tế, học phí... Luật Giá ra đời có giúp giải quyết được vấn đề” – đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nêu nghi vấn trong phiên thảo luận tại các đoàn ĐBQH chiều 8/11 về dự án luật này.

Loạn giá sữa, tân dược: Cần "thuốc" đặc trị - 1
Công tác quản lý giá thuốc đang bị xem là... bất lực.

Nhiều ý kiến thảo luận đều xuất phát từ những tồn tại, bất cập thực tế trong việc quản lý, điều hành giá nhiều mặt hàng thiết yếu, từ điện than, xăng dầu tới lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đi từ nhận định, trong những thời điểm gay cấn nhất, Nhà nước điều chỉnh chưa kịp thời giá cả một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu. Ông Vinh dẫn ví dụ lúc giá dầu thế giới tăng thì giá xăng ở ta tăng nhanh, lúc giá thế giới xuống thì trong nước giảm chậm, có giảm chỉ 500 đồng trong khi lên thì vài ngàn đồng.

“Cảm giác, nhiều lúc, dường như nhà nước không can thiệp, điều tiết được thị trường” – ông Vinh băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) gật đầu với “cảm nhận” của ông Vinh, phân tích, quan điểm của điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, nhạy cảm là trên cơ sở quy luật cung cầu thị trường, có sự điều hành của nhà nước nhưng trong thực tế, công tác quản lý đã có lúc để thị trường… thái quá, nhiều khi lại thò tay can thiệp quá sâu. Đại biểu lấy ví dụ 2 mặt hàng, sữa và thuốc chữa bệnh nhiều năm nay vẫn mặc sức tăng giá.

“Thời gian gần đây chúng ta gần như bất lực với giá thuốc, sữa, dịch vụ y tế, học phí.... Nhiều câu hỏi đặt ra như có nên để thị trường hoàn toàn quyết định? Việc nhà nước can thiệp có ảnh hưởng đến tính cạnh tranh? Các biện pháp kiểm soát giá chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước hay cả doanh nghiệp tư nhân?" – ông Hòa nêu một loạt câu hỏi.

Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho rằng, với mặt hàng quan trọng như thuốc chữa bệnh, nhà nước phải can thiệp từ đầu, không để doanh nghiệp “liên thủ” duy trì, đẩy giá cao phi lý. Đại biểu Hòa cũng đề nghị chế tài xử phạt vi phạm về giá đối với các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá cần được bổ sung cơ chế đặc thù thay vì chỉ tham chiếu các bộ luật liên quan nhằm tăng tính răn đe.

Cùng là thành viên đoàn TP.HCM, đại biểu Trần Du Lịch đồng ý với đánh giá của doanh nhân Nguyễn Ngọc Hòa khi cho rằng thị trường sữa, thuốc chữa bệnh và nhiều nhóm mặt hàng khác đang… loạn. Giá bị hét lên trời, người tiêu dùng vẫn phải mua vì không có nhiều sự lựa chọn.

Ông Lịch cho rằng méo mó giá cả là do đầu cơ và kiến nghị cần có biện pháp chống đầu cơ bằng cơ chế minh bạch giá.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) thậm chí còn đánh giá, việc quản lý giá thuốc chữa bệnh hiện nay bức xúc hơn nhiều so với mặt hàng xăng dầu. Việc này xuất phát từ tính chất, mức độ thiết yếu của mặt hàng.

Ông Thanh phân tích, giá xăng dầu cao, người ta có thể đi xe đạp thậm chí đi bộ nhưng người bệnh không thể dừng uống thuốc chỉ vì đắt đỏ. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng dùng từ “loạn” để quy trách nhiệm quản lý mặt hàng thuốc tân dược. Mở cửa ra là thấy hiệu thuốc. Thuốc Mỹ, thuốc Nhật, thuốc Đức được quảng cáo ra rả nhưng chất lượng thế nào chẳng mấy khi được kiểm chứng.

Bất cập trong quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, ông Thanh cho là bắt đầu từ hiện tượng độc quyền, gần như không có sự cạnh tranh. Đại biểu dẫn chứng giá điện, khi muốn tăng, tập đoàn Điện lực EVN viện dẫn đủ mọi lý do nào là chi phí tăng, khấu hao nhiều, biến động nguyên vật liệu... “Vì độc quyền mới có thể nói vậy. Nếu thị trường có cạnh tranh đưa lý do như vậy sẽ bị tẩy chay ngay" – ông Thanh quả quyết.

Dự thảo luật Giá sẽ còn được đưa ra thảo luận tại Quốc hội kỳ này trong một phiên họp toàn thể và khả năng sẽ thông qua trong kỳ họp lần thứ 3, đầu năm tới.

P.Thảo

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm