Loại điện mặt trời mái nhà nào phát lên lưới điện mà không được trả tiền?

Ghi Du

(Dân trí) - Điện mặt trời mái nhà liên kết với lưới điện quốc gia phải thuộc tổng công suất đến năm 2030 là khoảng 2.600MW. Bộ Công Thương đề xuất loại hình này không được trả tiền khi phát lên lưới.

Tại dự thảo do Bộ Công Thương xây dựng về phát triển điện mặt trời mái nhà mới đây đưa ra lấy ý kiến tới ngày 26/12, Bộ Công Thương đề xuất điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân, nếu phát lên lưới sẽ được ghi nhận sản lượng nhưng với giá 0 đồng.

Nếu không phát lên lưới, phía đầu tư phải tự lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện.

Đề xuất này là đối với vấn đề điện mặt trời mái nhà liên kết với lưới điện quốc gia. Loại hình này phải thuộc tổng công suất đến năm 2030 là khoảng 2.600MW.

Tại đề xuất mô hình phát triển đưa ra hồi tháng 9, Bộ Công Thương nhìn nhận điện mặt trời mái nhà liên kết với lưới điện quốc gia phù hợp lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở, trụ sở doanh nghiệp.

Các đối tượng này có đặc thù riêng, thường diện tích mái nhà và quy mô công suất không lớn, có thời điểm sử dụng điện chủ yếu vào ban ngày, phù hợp với thời điểm hoạt động của điện mặt trời mái nhà.

Loại điện mặt trời mái nhà nào phát lên lưới điện mà không được trả tiền? - 1

Đề xuất của Bộ Công Thương về việc điện mặt trời mái nhà phát lên lưới nhưng không được trả tiền đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh: VGP).

Tuy nhiên, việc không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác sẽ gây khó khăn trong quá trình lắp đặt và quản lý vận hành. Một nhược điểm khác là việc cho liên kết với lưới điện quốc gia nhưng không bán điện vào hệ thống điện thì cả cơ quan Nhà nước và ngành điện khó kiểm tra, kiểm soát các chủ đầu tư phát lượng điện dư vào lưới điện quốc gia. 

Trong khi đó, nếu không liên kết với lưới điện quốc gia, quy mô công suất lắp điện mặt trời mái nhà của mỗi tổ chức, cá nhân không giới hạn tại thời điểm thực hiện đăng ký phát triển.

Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương cũng đề xuất tổ chức, cá nhân khi phát triển điện mặt trời mái nhà không liên kết với lưới điện quốc gia chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, phải bảo đảm cả nguồn phát điện và phụ tải không liên kết với lưới điện quốc gia.

Quan điểm cũ ra sao?

Tuy nhiên, ở mô hình phát triển Bộ Công Thương đưa ra trước đó, Bộ này từng cho rằng nhà đầu tư có thể tự sử dụng hay bán điện cho tổ chức, cá nhân ngoài EVN với điều kiện cả nguồn - tải không liên kết với lưới điện quốc gia.

Thậm chí, theo Bộ Công Thương, mô hình này nên xem xét ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, lưu ý, nguồn điện tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực (Luật Điện lực năm 2004).

Trường hợp bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và có quy mô công suất lớn hơn mức miễn trừ thì phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Đối với nguyên tắc phát triển điện mặt trời, Bộ này nhấn mạnh phải phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, kế hoạch triển khai quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; bảo đảm an toàn điện, xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân chủ động phát triển nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, tổng công suất điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia không vượt quá quy mô công suất được duyệt tại cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.