Lộ trình tăng thuế hợp lý là động lực giúp doanh nghiệp vượt khó
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn cần bứt tốc về kinh tế, việc áp thuế cao có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng.
Đặt vai trò của khối doanh nghiệp vào trung tâm của động lực phát triển
Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9, khai mạc vào tháng 5 tới đây với mục tiêu định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.
Thảo luận tại hội thảo "Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt" diễn ra mới đây, TS Trần Đình Thiên bày tỏ trăn trở với câu hỏi làm sao để doanh nghiệp Việt Nam mạnh hơn. Theo ông, để đảo ngược động lực tăng trưởng kinh tế, cần đặt đặt vai trò của khối doanh nghiệp Việt Nam vào vị trí trung tâm của động lực phát triển.
Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ tác động mạnh đến nhiều ngành sản xuất kinh doanh trong nước, vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan.
"Chuỗi cung ứng bế tắc, giá nguyên vật liệu tăng thậm chí lên tới 30-40%. Nhiều doanh nghiệp, số lượng lao động cũng giảm đi, rồi thu nhập thì giảm xuống và tình hình khó khăn chúng tôi thấy rất là nghiêm trọng", ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: BTC).
Các doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí đầu vào tăng cao, chuỗi cung ứng tắc nghẽn, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Chủ tịch VBA cho rằng cần "nuôi dưỡng nguồn thu" thay vì tạo thêm gánh nặng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi còn mong manh. Ông kiến nghị chưa nên đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Khi doanh nghiệp suy yếu, việc làm giảm, thu nhập lao động bị ảnh hưởng, sức mua suy giảm, đà phục hồi kinh tế sẽ chậm lại", ông Việt nói và nhấn mạnh rằng nếu không có chính sách thuế hợp lý, việc đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng và duy trì dòng vốn đầu tư sẽ gặp rất nhiều thách thức.
Cùng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, phân tích rằng nếu như đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, mở rộng đối tượng việc đánh thuế trong thời gian tới thì có thể sẽ gây ra những khó khăn nhiều hơn cho ngành sản xuất đồ uống.
Theo ông, đây là trong giai đoạn mà chúng ta cần bứt tốc về tăng trưởng. Trong giai đoạn ngành sản xuất đồ uống đang còn gặp rất nhiều khó khăn và vai trò ý nghĩa của nó rất lớn cả cho đóng góp ngân sách cả cho tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.
Nếu áp thuế cao thì có thể có sự chuyển dịch từ phần được sản xuất, đảm bảo chính thống, sang những mặt hàng không chính thống và rất khó kiểm soát về chất lượng.
Doanh nghiệp chịu tác động nặng nề trong bối cảnh thế giới nhiều biến động
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, cho rằng quyết định tăng thuế là một vấn đề quan trọng khi ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích cũng như sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng như thuốc lá, rượu bia và nước giải khát có đường.
Theo báo cáo của Ủy ban, dự báo đến năm 2030, có 2 triệu trẻ em Việt Nam sẽ bị tình trạng béo phì. Do đó, ông Hạ cho rằng chúng ta cần hài hòa lợi ích chung, nhưng cần chú trọng bảo vệ quyền trẻ em và cao hơn là quyền con người. Thậm chí cần nghĩ tới việc đánh thuế vào nước có đường hay đường, liên quan đến các loại kẹo cũng chứa hàm lượng đường rất cao.
Vị chuyên gia cho rằng câu chuyện này cần nhìn từ mọi ngóc ngách, cần tìm kiếm phương pháp hài hòa với doanh nghiệp, tìm kiếm lộ trình, thời điểm phù hợp.
Góc nhìn thực tế tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, cho biết trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn nhiều biến động, ngành đồ uống cũng chịu tác động nặng nề thông qua chi phí đầu vào gia tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và áp lực logistics ngày càng lớn.
Chia sẻ thực tế, ông Phúc cũng cho biết, thị phần bia không chính thống đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, nơi người dân có thu nhập thấp và nhạy cảm với giá cả. Những sản phẩm này không chỉ rẻ hơn 25-35% so với bia chính thống mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm và gây thất thu ngân sách.
Ông kiến nghị nên cân nhắc kỹ lưỡng, lùi thời điểm xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia sang năm 2027 nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp thích ứng với các biến động bên ngoài, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: BTC).
Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề sự kiện, ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho biết, trong kỳ họp Quốc hội tới đây, với Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, các đại biểu sẽ cho ý kiến chủ yếu tập trung về thuế đối với rượu, bia, nước giải khát và thuốc lá theo lộ trình.
"Cần có cái nhìn công bằng, công tâm khi xây dựng thuế tiêu thụ đặc biệt. Cần đặt trong tổng hòa nhiều mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng", ông Hòa nhấn mạnh.