Thưởng Tết ngân hàng: Nhận hàng trăm triệu đồng hay bánh chưng, giò chả?
(Dân trí) - Thưởng Tết ngành ngân hàng năm 2021 dự kiến không rôm rả như những năm trước nhưng giới chuyên gia đánh giá vẫn sẽ hấp dẫn hơn so với các ngành khác...
Chưa có năm nào mà thông tin thưởng Tết ngành ngân hàng lại "kín như bưng" như năm nay.
Chiều 30/12, khi phóng viên trao đổi với nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Hà Nội thì được biết: "Chúng em vẫn chưa nhận được thưởng Tết nhưng nghe nói Tết dương lịch sẽ mang ý nghĩa tượng trưng chứ không có tháng lương thứ 13 như những năm trước".
Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặt bằng thưởng Tết ngân hàng năm nay sẽ có sự phân hóa khá lớn. Thông tin thưởng Tết ngân hàng sẽ có muộn hơn những năm trước, vẫn có những ngân hàng mạnh tay chia lương, thưởng cho nhân viên nhưng cũng không ít ngân hàng thưởng động viên, thậm chí có ngân hàng "bỏ quên ngày Tết của nhân viên".
"Nhiều ngân hàng có lợi nhuận tốt vẫn có thể có mức thưởng 5,6 tháng lương, tương đương mức thực lĩnh hàng trăm triệu đồng. Nhưng theo nhận định của tôi, các ngân hàng sẽ chưa nhỏ khoản thưởng ra hoặc sẽ chia thưởng vào kỳ báo cáo tài chính cuối quý 1/2021 chứ không để hết thưởng vào dịp Tết này", một chuyên gia giấu tên cho hay.
Thông điệp mới đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm 2021 sẽ yêu cầu các ngân hàng cắt giảm chỉ tiêu lợi nhuận, tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ giảm lãi suất trung và dài hạn phục vụ nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Hay ngay từ đầu năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng đồng hành cùng nền kinh tế bằng cách cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chi phí lương, không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 1,5-2%. Tuy nhiên theo đánh giá của Thủ tướng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung dài hạn. Nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận khá lớn, coi lợi nhuận là tối đa.
Thủ tướng mong muốn, trong bối cảnh còn khó khăn này, ngành ngân hàng chưa nhằm mục tiêu lợi nhuận mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất. Câu hỏi mà Thủ tướng đặt ra với các lãnh đạo ngân hàng rằng là "năm nay, ông chia sẻ với người dân thế nào, ông giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu".
Bóc tách báo cáo tài chính cho thấy, do chịu tác động tiêu cực của Covid-19 nên lợi nhuận của ngân hàng cũng ảnh hưởng đáng kể. Không mạnh mẽ như những năm qua nhưng lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2020 của khối ngân hàng vẫn tăng trưởng ở mức 10,2% và mức tăng trưởng của tổng thu nhập hoạt động tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo thống kê về tình hình kinh doanh quý 3/2020 và 3 quý năm 2020 của 21 ngân hàng niêm yết do Công ty FiinGroup thực hiện, khối ngân hàng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng rất tốt trong quý 3/2020 với tổng thu nhập hoạt động tăng 10,8% và lợi nhuận sau thuế tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 9,4%, hoạt động dịch vụ tăng 31,4% và các hoạt động còn lại bao gồm: mua bán ngoại tệ, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, góp vốn/mua cổ phần... tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi ròng (NIM) của 21 ngân hàng niêm yết tăng 9,7 điểm cơ bản so với quý 2/2020 lên 0,89%.
Tổng hợp báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, dù mặt bằng lãi suất sụt giảm liên tục nhưng nhiều ngân hàng trong năm 2020 vẫn đạt lợi nhuận khá cao.
Một số ngân hàng chạy đua để lên sàn, chuyển sàn có lợi nhuận 11 tháng đã vượt kế hoạch năm 2020. Trong đó, ACB vượt kế hoạch năm 14% trong vòng 11; MSB vượt kế hoạch năm 60%...
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế lũy kế của ACB đạt 8.723 tỷ đồng; MSB đạt hơn 2.302 tỷ đồng; 11 tháng qua, ABBank đã đạt 1.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng đạt 101% kế hoạch năm.
Tại khối ngân hàng quốc doanh, riêng quý III/2020, lợi nhuận trước thuế của BIDV, VietinBank và Vietcombank thấp hơn 10% so với cùng kỳ 2019, còn 10.590 tỷ đồng. Sự suy giảm chủ yếu tại Vietcombank và VietinBank với việc thấp hơn lần lượt 7% và 21%. Ngược lại, lợi nhuận trước thuế của BIDV vẫn tăng 16%, lên 2.703 tỷ đồng...
Từ bức tranh chung có thể đoán ra được, dù có "thắt lưng buộc bụng" nhưng chế độ lương, thưởng ngày Tết của ngành ngân hàng vẫn sẽ hấp dẫn hơn so với các ngành khác. Tuy nhiên, Giám đốc một ngân hàng tại Hà Nội cho hay: "Chúng ta cần hiểu đúng về thưởng Tết ngân hàng. Những năm trước, nhân viên ngân hàng tôi được thưởng từ 1-3 tháng lương tùy thuộc vào hiệu quả công việc và trên thực tế có thể được nhận nhiều hơn, nhưng đây là số tiền lương truy lĩnh trong suốt 1 năm làm việc của mỗi nhân viên ngân hàng".
Chia sẻ về việc thưởng Tết ngân hàng, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành từng nói: Thực tế khái niệm "thưởng Tết" là việc các nhân viên được truy lĩnh lương của mình trong năm. Vietcombank cũng là một doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước nên tối đa mỗi năm chỉ được trích 2-3 tháng phúc lợi khen thưởng, nếu hoàn thành kế hoạch.
Lấy ví dụ từ chính ngân hàng Vietcombank của mình, Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành đã cho biết: Nếu lương nhân viên 32 triệu đồng hàng tháng thì mỗi tháng chỉ nhận khoảng 15-16 triệu đồng. "Phần còn lại được trải đều các quý, mỗi quý sẽ chấm điểm KPI đánh giá và phần này được trả vào đúng thời điểm cuối năm nên mọi người hay gọi là thưởng Tết", ông Thành giải thích.
Cuối tháng 12/2019, thị trường tài chính tiền tệ xôn xao khi một ngân hàng 100% vốn nước ngoài có chi nhánh tại TPHCM công bố thưởng Tết 2020, với mức thưởng cao nhất hơn 1 tỷ đồng cho 1 cá nhân.
Tuy nhiên có ngân hàng lại tặng nhân viên bánh chưng, giò chả... Nhìn chung, mặt bằng thưởng Tết năm qua của các ngân hàng từ 1-3 tháng lương; có ngân hàng vọt lên mức 5,6 tháng lương...