Lò mổ công nghiệp “chết yểu”: “Thịt bẩn” còn đất sống

Với vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho dây chuyền giết mổ công nghiệp nhưng Nhà máy thực phẩm D & F đã phải tạm đóng cửa vì trong suốt 2 năm, dây chuyền chỉ đạt 5 – 10% công suất.

Cạnh tranh không nổi với giết mổ thủ công, cũng như D&F, nhiều lò giết mổ hiện đại đã “chết yểu” và mong muốn đem thịt an toàn ra thị trường của những lò giết mổ này cũng bị triệt tiêu.

Lò giết mổ công nghiệp của Công ty Vinh Anh (Quốc Oai, Hà Nội) chỉ hoạt động được tối đa 15% công suất​

Lò giết mổ công nghiệp của Công ty Vinh Anh (Quốc Oai, Hà Nội) chỉ hoạt động được tối đa 15% công suất​

“Chết yểu”

Trên thực tế, các lò mổ công nghiệp “trụ” được trên cả nước đến nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Với vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho dây chuyền giết mổ công nghiệp nhưng Nhà máy thực phẩm D & F đã phải tạm đóng cửa từ tháng 4/2014 đến nay vì chỉ đạt 5 -10% công suất hoạt động, trong khi theo thiết kế công suất nhà máy phải đạt 100 con/giờ và dây chuyền giết mổ gà công suất 2.000 con/giờ. Cùng cảnh ngộ, Cty Foodex – Hà Nội đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng lò mổ với dây chuyền giết mổ hiện đại, công suất lên tới 1.800 con/ngày. Thế nhưng, hiện Foodex phải đóng cửa vì không thương lái đem sản phẩm tới.

Đây chỉ là hai trong số hàng loạt nhà máy giết mổ hiện đại trên cả nước phải sống dở, chết dở vì không có khách. Thậm chí, ngay cả một nhà máy giết mổ hiện đại bậc nhất tại Đồng Nai do một DN châu Âu đầu tư, sau một thời gian hoạt động cầm chừng phải bán nhà máy, nhưng đến nay cũng chẳng có DN nào dám mua và đành… bỏ không.

Lý giải cho việc lò mổ công nghiệp đang hoạt động cầm chừng, ông Lê Đình Phượng – Giám đốc Cty Foodex cho rằng: “Do thói quen giết mổ thủ công đã ăn sâu vào nhiều hộ dân làm nghề nên việc yêu cầu họ từ bỏ một thói quen là rất khó. Bên cạnh đó, chi phí giết mổ công nghiệp cao hơn cách làm thủ công tới 50 – 60%. Ngoài ra, nếu họ chuyển sang giết mổ công nghiệp thì phải chịu sự quản lý gắt gao về quy trình sản xuất thực phẩm sạch. Chi phí cao và quản lý chặt khiến các thương lái không mặn mà gì với giết mổ công nghiệp“. Đặc biệt, lò thủ công thường nằm len lỏi trong khu dân cư, tiện đi lại. Vì thế, người ta vẫn “ưa chuộng” lò thủ công- ông Phượng cho biết.

Nguyên nhân không chỉ bởi sự cạnh tranh về giá cả, vị trí địa lý… như giám đốc Cty Foodex Hà Nội chia sẻ. Mà theo ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi VN, sự thiếu hỗ trợ của chính quyền địa phương đã đẩy các cơ sở giết mổ hiện đại rơi vào tình cảnh khó khăn.

Chi phí cao và quản lý chặt khiến các thương lái không mặn mà gì với giết mổ công nghiệp.

Vì chính sách…

Ông Vang cho biết, ông đã từng nhận được đơn “kêu cứu” của cơ sở giết mổ gia súc tập trung Thy Thọ tại Đồng Nai. Theo doanh nghiệp này, trước khi quyết định đầu tư vốn vào cơ sở giết mổ, UBND thị xã Long Khánh đã từng cam kết sau khi Thy Thọ đi vào hoạt động, địa phương này sẽ thường xuyên tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ gia súc trái phép, đồng thời vận động các cơ sở giết mổ tập trung nằm ngoài vùng quy hoạch vào cơ sở Thy Thọ để hoạt động. Thế nhưng, theo ông Vang, từ khi Thy Thọ hoạt động vào đầu năm 2013 đến nay, các cơ sở giết mổ cũ vẫn hoạt động bình thường. Do vậy, theo ông Vang, “phải “siết” chặt vai trò của chính quyền địa phương không chỉ về chính sách hỗ trợ các lò mổ công nghiệp mà điều đặc biệt quan trọng là phải quyết liệt dẹp bỏ lò mổ thủ công.

Trên lý thuyết là vậy, nhưng theo lý giải của Chi cục Thú y TP HCM, nếu một mình thú y không thể nào kiểm soát nổi. Riêng việc kiểm soát giết mổ lậu được giao Chi cục quản lý nhưng thú y không có chức năng kiểm tra nhà dân (kể cả nơi giết mổ) nên rất khó phát hiện xử lý giết mổ lậu. Vì vậy, tình trạng giết mổ thủ công đang hiện đang hoạt động rất mạnh.

Chia sẻ với DĐDN, TS Nguyễn Văn Cảm – Hội Khoa học kỹ thuật Thú y VN cho rằng, mặc dù, việc chấn chỉnh các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư đã được các Bộ, ngành quan tâm quy hoạch nhưng dường như chính quyền cơ sở chưa thật sự tích cực. Mặt khác, theo ông Cảm nếu các Ban quản lý chợ yêu cầu tiểu thương phải xuất trình giấy tờ kiểm dịch của cơ quan thú y mới cho vào thì đương nhiên thịt chế biến từ những cơ sở lậu sẽ không thể vào chợ được.

Trong khi lò mổ công nghiệp đang chết dần chết mòn vì ế, thì hàng ngày hàng giờ, các lò mổ thủ công vẫn hoạt động hết công suất. Người dân vẫn phải dùng thịt bẩn chưa biết đến bao giờ, chỉ vì các chế tài quản lý vệ sinh an toàn tại lò mổ chưa được thực hiện.

Theo Mai Thanh

Enternews

Lò mổ công nghiệp “chết yểu”: “Thịt bẩn” còn đất sống - 2