Làm sao để xử lý tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan?
Thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đang là mối bận tâm hàng đầu trong dư luận. Ngay cả một thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng cũng bị xử phạt hơn trăm triệu đồng cách đây không lâu do vi phạm các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Để giải quyết được tình trạng này đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều người, nhiều đơn vị, từ việc tuyệt đối nói không của người tiêu dùng với thực phẩm bẩn, đến các biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn của các cơ quan chức năng, và quan trọng nhất phải là việc nghiêm chỉnh thực hiện các quy trình VSATTP ở từng doanh nghiệp.
Từ luật pháp nghiêm khắc về VSATTP
Thông tư 15 về VSATTP dành nhiều nội dung về điều kiện vệ sinh ngay tại các cửa hàng chế biến thực phẩm từ diện tích, quy trình chế biến, từ khâu nguyên liệu đến khâu thành phẩm, từ hệ thống nước, thông gió đến quy trình xử lý chất thải hay thiết bị dụng cụ tham gia vào quy trình chế biến… Khi đạt những yêu cầu này thì doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP).
Khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng phải kịp thời kiểm tra, xử lý và đưa ra các hình thức xử phạt nghiêm khắc. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần thông báo rộng rãi đến khách hàng, người dân để vừa tránh cho thực khách lặp lại sai lầm từ các khách hàng trước, vừa có tác dụng răn đe những doanh nghiệp có hành vi tương tự.
Đến ý thức của từng doanh nghiệp
Thách thức cho các “ông lớn” trong ngành thực phẩm, nhà hàng tại thị trường Việt Nam chính là “ma trận” các loại thực phẩm bẩn xuất hiện ở tất cả các khâu ngay từ bước chọn nguyên vật liệu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần kiểm tra chất lượng thường xuyên, định kỳ hay thậm chí kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất của các nhà cung ứng để có những điều chỉnh hay thay đổi kịp thời.
Ông Nguyễn Huy Thịnh - Giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng McDonald’s tại Việt Nam, một trong những đơn vị được đánh giá cao về quy trình đảm bảo VSATTP chia sẻ: “Tại những cửa hàng của McDonald’s, quy trình tuyển chọn nguyên vật liệu đầu vào luôn được kiểm soát rất gắt gao. Trước khi cung cấp nguyên liệu cho McDonald’s, các nhà cung ứng phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan tới ATTP và các yêu cầu của Công ty về hệ thống quản lý chất lượng. Hệ thống này được xây dựng dựa trên một số tiêu chẩn quốc tế như ISO 9001, ISO 9001, ISO 22000, PAS 220 và một số tiêu chuẩn riêng của tập đoàn. Ví dụ, để trở thành nhà cung cấp trứng cho các bữa ăn của McDonald’s, một cơ sở sản xuất trứng tại Tây Ninh phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình tuyển lựa và làm sạch trứng, đồng thời phủ dầu bảo vệ chất dinh dưỡng. Hay về bao bì, tất cả các bao bì thực phẩm cung cấp cho McDonald’s phải được in bằng loại mực in Food Grade (mực an toàn cho thực phẩm) và giấy phải được phủ một lớp bảo vệ để tránh các nguy cơ không an toàn cho thực khách.
Tại McDonald’s, quy trình HACCP (Hazard Analysis Critical Control Point) - Quy trình phân tích và kiểm soát rủi ro cũng như GPFH (General Principles of Food Hygiene) - Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm (được chứng nhận bởi Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ) là nền tảng để đảm bảo vệ sinh ATTP cho tất cả các bữa ăn được phục vụ của thương hiệu thức ăn nhanh hàng đầu thế giới này.
Trong cửa hàng, chất lượng luôn được kiểm soát dựa trên các tiêu chuẩn về thiết bị, kho trữ phù hợp cho từng loại thực phẩm như các yếu tố về nhiệt độ, diện tích… Tất cả các bước từ việc giao hàng, lưu trữ trong kho, kiểm tra nhiệt độ trước và sau khi chế biến đều được theo dõi và ghi chép lại trong sổ tay VSATTP. Toàn bộ quy trình này được giám định thường xuyên để đảm bảo việc thực hiện đúng và nghiêm túc.
Trong mỗi ca làm việc, nhân viên quản lý là người chịu trách nhiệm về quy trình vận hành máy móc để tránh các rủi ro ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Chính vì thế, tất cả các nhân viên đều phải được đào tạo kiến thức về vệ sinh ATTP trước khi bắt đầu làm việc. Trước mỗi ca, các trưởng ca sẽ phải thực hiện các bước kiểm tra tiêu chuẩn sản phẩm như đo nhiệt độ thịt, kiểm tra thời hạn sử dụng của các loại sản phẩm, trước khi phục vụ cho khách hàng. Vì vậy, nếu có xảy ra sự cố, doanh nghiệp dễ dàng truy nguyên nguồn gốc, nguyên nhân để xử lý tình huống và không lặp lại sai lầm ở những lần kế tiếp.
Ông Thịnh cũng chia sẻ cụ thể về những quy định khắt khe để kiểm soát VSATTP tại McDonald’s như:
- Rửa tay ít nhất 1 lần mỗi giờ
- Thực hiện đúng các quy định về màu sắc găng tay để tránh sự lây nhiễm chéo: găng tay màu xanh để xử lý các nguyên liệu tươi sống và găng tay trong suốt để chế biến thức ăn được nấu chín
- Và đặc biệt, luôn có gel rửa tay diệt khuẩn dùng cho khách hàng ở lối vào và hành lang mỗi nhà hàng.
Quy trình chặt chẽ nói trên cũng là lý do McDonald’s đã giữ vững được uy tín thương hiệu của mình trong những năm qua ở 120 quốc gia trên toàn thế giới.
Hy vọng, những quy định khắt khe của luật vệ sinh an toàn thực phẩm và ý thức ngày càng cao của người tiêu dùng sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp khác trong ngành công nghiệp thực phẩm có một sự đầu tư và ý thức thực hiện nghiêm túc hơn về quy trình đảm bảo VSATTP tại Việt Nam, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng Việt.