Lộ lý do giá vàng đột ngột tăng mạnh, phá vỡ mọi kỷ lục
(Dân trí) - Sau khi "nín thở" chờ quyết định cuối cùng của Fed, giá vàng thế giới đã tăng vọt lên mốc lịch sử hơn 2.600 USD/ounce. Đâu là nguyên nhân phía sau đợt tăng giá đột ngột của kim loại quý này?
Giá vàng giao ngay bắt đầu tuần giao dịch ở 2.570 USD/ounce, không thay đổi nhiều so với giá đóng cửa tuần trước. Sau đó, mặt hàng này chủ yếu đi ngang, "nín thở" chờ đợi quyết định cuối cùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), rằng sẽ cắt giảm 0,25% hay là mức cắt giảm mạnh 0,5%.
Cụ thể, Fed đã hạ lãi suất mạnh tay lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020. Trong bối cảnh cả tình hình việc làm và lạm phát đều hạ nhiệt, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định hạ lãi suất 0,5 điểm % đưa phạm vi lãi suất xuống 4,75-5%. Mức này phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Ngay phiên liền sau, thị trường phấn khích khi cơ quan quản lý tiền tệ của Mỹ đã quyết định hành động mạnh tay. Giá vàng giao ngay lập tức tăng vọt lên mức 2.600 USD/ounce.
Sau một vài biến động, giá vàng đã lần đầu tiên vượt qua mốc 2.600 USD/ounce. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới dừng ở mức 2.621 USD/ounce.
Ông Ole Hansen, Trưởng phòng Chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, nhận định, ngay cả khi vàng đánh mất toàn bộ mức tăng của năm nay, kim loại quý vẫn tiếp tục tỏa sáng vì các nhà đầu tư ETF đang thể hiện sự quan tâm mới đối với vàng.
Chuyên gia này nhận định, hiện các yếu tố hỗ trợ quan trọng nhất với vàng là rủi ro địa chính trị và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng quý II/2024 của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy nhu cầu đối với vàng tăng kỷ lục mặc dù giá rất cao.
Các chuyên gia cho rằng, giá vàng bất ngờ quay đầu tăng, do nhà đầu tư lạc quan hơn vào chính sách tiền tệ của Fed trong thời gian tới. Quyết định cắt giảm lãi suất của Fed là khởi đầu của một chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ rộng hơn của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Động thái của Fed mở ra kỳ vọng sẽ có thêm 1-2 lần cắt giảm lãi suất nữa trong năm nay.
Ông Robert Minter, Giám đốc Chiến lược đầu tư của Công ty Đầu tư Abrdn, cho hay, từ trước đến nay, các chu kỳ cắt giảm lãi suất thường thúc đẩy nhu cầu cao hơn của các nhà đầu tư vào vàng.
Nhưng lần này, nhu cầu của ngân hàng trung ương và đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ rất cao. Yếu tố này sẽ giúp thị trường vàng chiếm ưu thế so với các kênh đầu tư khác. Ông dự báo rằng, trong chu kỳ nới lỏng mới, việc vàng vượt mốc 3.000 USD/ounce chỉ là vấn đề thời gian.
Tương tự, ông Adam Button, Trưởng phòng Chiến lược tiền tệ của Công ty Tài chính Forexlive, cho rằng, căn cứ vào diễn biến kinh tế của Mỹ thời gian qua, khả năng Fed sẽ cắt giảm thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 11 và 12.
Các chuyên gia phân tích của ngân hàng ANZ cũng dự báo, giá vàng sẽ tăng lên 2.900 USD/ounce vào cuối năm sau khi ghi nhận nửa đầu năm 2024 nhu cầu đầu tư rất mờ nhạt. Giá tăng cao không thể ngăn cản việc mua vào của các ngân hàng trung ương.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng đã khiến giới đầu tư lo ngại rủi ro tăng cao đối với các nền kinh tế trên thế giới. Do đó, việc đẩy mạnh mua vàng là nhằm đảm bảo dòng vốn và gia tăng lợi nhuận.