Lộ diện những “tội đồ” gây thất thoát vốn vì đầu tư chứng khoán, bất động sản
(Dân trí) - Bên cạnh Petro Vietnam thoái 800 tỷ đồng và Vinafood2 thoái 1,3 tỷ đồng với giá 0 đồng trong giai đoạn 2011-2015 thì trong năm 2016, xuất hiện thêm trường hợp Tổng công ty Thanh Lễ thoái 100,6 tỷ đồng tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ nhưng chỉ thu về 18,3 tỷ đồng (hụt 82,3 tỷ đồng).
Thông tin được Bộ Tài chính công bố tại phiên họp báo chuyên đề đang diễn ra chiều nay (23/12) cho hay, trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã cổ phần hóa 508 doanh nghiệp (DN) với tổng giá trị thực tế DN là 760.774 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 188.274 tỷ đồng.
Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn 5 năm vừa qua, Nhà nước đã thoái được tổng cộng 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng. Như vậy, số thu về đã giảm so với sổ sách. Giải thích cho vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) thoái 800 tỷ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) thoái 1,3 tỷ đồng với giá 0 đồng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Bước sang năm 2016, các đơn vị thoái được 3.646 tỷ đồng, thu về 6.840 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm vẫn không đạt yêu cầu. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty thoái được 490 tỷ đồng nhưng chỉ thu về 450 tỷ đồng (hụt 40 tỷ đồng).
Nguyên nhân khiến giá trị thu về thấp hơn gia trị đã đầu tư do Tổng công ty Thanh Lễ thoái 100,6 tỷ đồng tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ nhưng chỉ thu về 18,3 tỷ đồng (hụt 82,3 tỷ đồng).
Trong khi đó, về phía Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), với việc bán vốn tại 67 DN trong năm 2016 với giá trị 1.577 tỷ đồng, tổng công ty này đã thu về 4.116 tỷ đồng. Con số này chưa bao gồm khoản bán đấu gía cổ phần của Vinamilk ngày 12/12 (đơn vị trúng thầu chưa hoàn tất việc chuyển tiền đấu giá.
Trước đó, giai đoạn 2011-2016, SCIC đã tiếp nhận 67 DN, với giá trị sổ sách kế toán 1.666 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng số DN SCIC tiếp nhận từ khi thành lập đến nay lên gần 1.000 DN với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 8.722 tỷ đồng.
SCIC cũng đã bán vốn tại 411 DN, với doanh thu bán vốn đạt 8.726 tỷ đồng. Với mức giá vốn 3.595 tỷ đồng, SCIC thu về thặng dư bán vốn hơn 5.130 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị sổ sách.
Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề trách nhiệm tại các thương vụ thoái vốn dưới giá vốn của Petro Vietnam, Vinafood2 và Thanh Lễ, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, hai trường hợp về thoái vốn 0 đồng, người đứng đầu đã bị xử lý trách nhiệm.
Cụ thể, vụ đầu tư vào OceanBank nay đã khởi tố vụ án và truy tố Chủ tịch HĐQT cùng hàng loạt giám đốc; còn vụ việc tại Vinafood2 thì nhiều cá nhân bị khởi tố bị can (trong đó có Phó Tổng giám đốc).
Riêng trường hợp của Thanh Lễ, ông Tiến không đề cập.
Bích Diệp