1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Chống lợi ích nhóm, thất thoát tài sản Nhà nước khi bán vốn

(Dân trí) - Khuyến khích cổ phần hóa gắn với niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán, song Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp làm tốt quá trình bán vốn, bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, chống thất thoát tài sản nhà nước.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, sáng nay (28/11), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Truyền thống ngành Chứng khoán Việt Nam và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức.


Thủ tướng khẳng định xây dựng khung pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư

Thủ tướng khẳng định xây dựng khung pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư

Quy mô thị trường chứng khoán chiếm 63% GDP

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, TTCK Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy hội nhập quốc tế, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, định hình cấu trúc hệ thống tài chính hiện đại, góp phần đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường công khai, minh bạch.

Được thành lập ngày 28/11/1996 theo Nghị định 75/CP của Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng tổ chức và quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK).

Bắt đầu với chỉ 2 mã cổ phiếu niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM, tới nay, đã có hơn 1.000 công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên 2 sở giao dịch chứng khoán. Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK tới nay ước đạt 2 triệu tỷ đồng, đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Quy mô TTCK chiếm khoảng 63% GDP, Thủ tướng nhìn nhận, đây là con số rất đáng khích lệ, khẳng định bước trưởng thành nhanh chóng của TTCK trong hệ thống tài chính của nước nhà.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế về khung khổ pháp lý, chất lượng hàng hóa, tổ chức thị trường. Cần khẩn trương khắc phục những hạn chế này để bảo đảm sự phát triển bền vững của TTCK. Thủ tướng đề nghị ngành chứng khoán tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế, từng bước giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng.

Nâng hạng thị trường chứng khoán trong 2 năm tới

Thủ tướng cũng yêu cầu phát triển TTCK bảo đảm tính công khai, minh bạch trên các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị công ty tốt nhất. Tăng cường năng lực quản lý, thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia TTCK, đặc biệt quyền lợi của nhà đầu tư thiểu số.

Bên cạnh đó, tiếp tục đưa nhiều doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa gắn với niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán.

“Nhân đây, tôi cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp làm tốt quá trình bán vốn doanh nghiệp Nhà nước trên sàn chứng khoán, bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, chống thất thoát tài sản Nhà nước”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng hy vọng, TTCK Việt Nam sẽ từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực, đạt mục tiêu và lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam ngay trong 2 năm tới.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cam kết tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng khung pháp lý minh bạch, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các chủ thể tham gia thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để TTCK Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.

“Tôi mong rằng, tinh thần Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính lan tỏa tới mọi cấp, mọi ngành, trước hết ở các cơ quan, đơn vị quản lý TTCK- một chủ thể nhạy cảm rất dễ bị tác động, dễ tổn thương trong ngành kinh tế”, Thủ tướng bày tỏ.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm