1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lộ diện những đại gia ngầm trong giới bất động sản

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Trong bối cảnh ngành bất động sản gặp khó khăn, các cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan cho công ty vay mượn hàng trăm tỷ đồng.

Nhóm chủ nợ lâu năm của Quốc Cường Gia Lai

Trong nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Như Loan cùng một số người thân đều là chủ nợ của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG). Tại công ty này, trước đây bà Như Loan là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Sau đó, bà từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, chuyển giao sang ông Lại Thế Hà. Hiện tại, bà giữ vai trò là Tổng giám đốc.

Lộ diện những đại gia ngầm trong giới bất động sản - 1

Thống kê số tiền các cá nhân, tổ chức và người có liên quan cho Quốc Cường Gia Lai vay tiền (Đơn vị: tỷ đồng. Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm nay cho thấy bà Như Loan cho công ty mượn 95,3 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với quý I. Cùng với đó, ông Lầu Đức Huy là con rể bà Loan cũng cho công ty mượn 95,9 tỷ đồng. Tổng số tiền cho vay từ gia đình bà Loan là 191,2 tỷ đồng.

Ông Lại Thế Hà - Chủ tịch HĐQT cùng con gái là Lại Thị Hoàng Yến cũng cho công ty vay hơn 46,7 tỷ đồng.

Tổng số tiền Quốc Cường Gia Lai vay từ các cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan khoảng 237,9 tỷ đồng.

So với các năm trước, con số vay từ các lãnh đạo công ty đã giảm đi nhiều. Thời kỳ cao điểm, tổng số tiền mà các cá nhân cho vay lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Sử dụng vốn vay từ các cá nhân nên so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác, Quốc Cường Gia Lai duy trì tỷ lệ nợ vay ngân hàng trên quy mô vốn thấp. Tại ngày 30/6, tỷ lệ này là 0,13 lần (mức an toàn cho phép là 1 lần).

Về kết quả kinh doanh, trong quý II, Quốc Cường Gia Lai không ghi nhận doanh thu từ bất động sản mà đến từ bán điện và hàng hóa, với giá trị gần 45 tỷ đồng, giảm 91% cùng kỳ năm trước. Công ty lỗ hơn 11 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 16 tỷ đồng. Tính chung nửa năm, công ty lỗ hơn 10 tỷ đồng.

Lộ diện những đại gia ngầm trong giới bất động sản - 2

Bà Nguyễn Thị Như Loan (trái) và bà Nguyễn Thị Minh Thư (phải) - 2 chủ nợ của 2 công ty bất động sản.

Con gái 9x giàu có của ông chủ Phát Đạt

Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) cũng phát sinh các khoản vay mượn với bên liên quan của lãnh đạo công ty. Trong đó, Phát Đạt có vay 410 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý Khách sạn Akyn, bao gồm 50 tỷ đồng vay ngắn hạn, 360 tỷ đồng vay dài hạn.

Theo Phát Đạt, Công ty Akyn có liên quan tới Chủ tịch HĐQT. Người đại diện theo pháp luật của công ty Akyn là Nguyễn Thị Minh Thư, con gái ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT Phát Đạt, đồng thời là em gái ông Nguyễn Tấn Danh - Phó chủ tịch HĐQT. Ông Danh cũng là con trai của ông Nguyễn Văn Đạt. 

Bà Nguyễn Thị Minh Thư sinh năm 1994, thành lập Công ty Akyn vào tháng 12/2022. Như vậy sau 6 tháng thành lập, công ty này có tiền cho Phát Đạt vay. Công ty Akyn đầu tư và quản lý khách sạn The Secret Côn Đảo (đã mở cửa).

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có một số dự án khác chưa hoàn thành như Marriott Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Countyard by Marriott Quy Nhơn (Quy Nhơn), Đà Lạt.

Ngoài là người đại diện cho Công ty Akyn, bà Thư còn đại diện cho một số doanh nghiệp khác cũng trong lĩnh vực du lịch, thương mại dịch vụ. Có thể kể đến như Công ty cổ phần Khu du lịch nghỉ dưỡng A, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại dịch vụ Akyn, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại dịch vụ Mount A...

Trong đó, Công ty cổ phần Khu du lịch nghỉ dưỡng A có liên quan tới Chủ tịch Phát Đạt.

Tại kỳ họp đại hội cổ đông thường niên 2023, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Phát Đạt giãy bày chuyện bản thân ông và gia đình đã làm nhiều việc để "cứu" công ty lúc khó khăn. Tài sản gia đình ông cũng bán. Tài sản cá nhân ông cho công ty mượn. "Có tài sản 300 tỷ đồng, tôi chấp nhận bán giá 200 tỷ đồng để có được dòng tiền hỗ trợ công ty", ông Đạt kể. 

Thị trường bất động sản đang có những khó khăn chung nên việc đầu tư kinh doanh vào các dự án bất động sản không được thuận lợi. Lý do này được Phát Đạt giải trình về nguyên nhân khiến lợi nhuận quý II giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm trước, còn 276 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi nhuận giảm do chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư của công ty.

Nửa đầu năm, Phát Đạt ghi nhận doanh thu hơn 197 tỷ đồng và lợi nhuận gần 300 tỷ đồng, giảm lần lượt 87% và 57% so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm