1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

"Liểng xiểng" khi chứng khoán bị bán tháo ồ ạt

Mai Chi

(Dân trí) - Từ vùng đỉnh 1.500 điểm, chỉ sau ít phiên giao dịch, VN-Index điều chỉnh mạnh, về sát 1.400 điểm trong chiều nay. Phần lớn nhà đầu tư chứng khoán thiệt hại nặng nề.

Thị trường khởi đầu tuần mới đi theo kịch bản tệ nhất. VN-Index gần như xuyên thủng mọi ngưỡng hỗ trợ, lao về sát 1.400 điểm trước khi bật hồi trở lại 1.417 điểm trước ngưỡng ATC.

Càng về cuối phiên, áp lực bán càng lớn, nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng loạn và kích hoạt tình trạng bán tháo, lệnh thị trường (MP - là lệnh mua, bán tại mức giá tốt nhất theo giá thị trường hiện tại) dồn dập.

Đóng cửa, chỉ số dừng tại 1.413,58 điểm, ghi nhận thiệt hại 29,74 điểm tương ứng 2,06%. Như vậy, chỉ trong ít phiên, VN-Index đã có đợt giảm xấp xỉ 100 điểm. VN30-Index mất hơn 23 điểm tương ứng 1,53% còn 1.480,92 điểm.

Liểng xiểng khi chứng khoán bị bán tháo ồ ạt - 1

Các chỉ số trên thị trường đều lao dốc rất mạnh (Ảnh chụp màn hình).

HNX-Index giảm 13,42 điểm tương ứng 2,99% còn 435,85 điểm và UPCoM-Index giảm 2,92 điểm, tương ứng 2,6% còn 109,19 điểm.

Như vậy, những thông tin tích cực về gói hỗ trợ được đưa ra trong ngày Chủ Nhật đã không thể "cứu vãn" tình hình. Tình trạng lao dốc của thị trường tuy "sốc" đối với phần lớn nhà đầu tư song không phải là không thể dự đoán. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy yếu của dòng tiền.

Thanh khoản những phiên gần đây liên tục suy giảm, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng trong quyết định giải ngân vì những bất ổn của thị trường tài chính quốc tế nói chung và rủi ro của chủng mới Omicron chưa đánh giá hết.

Bên cạnh đó, tình trạng margin call càng khiến tình hình trở nên tồi tệ. Những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao buộc phải bán ra bằng mọi giá. Nhiều nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu không khỏi "xót ruột" khi giá trị tài sản bốc hơi chóng mặt.

Toàn thị trường có tới 101 mã giảm sàn, 943 mã giảm giá trong khi phía tăng chỉ có 159 mã, có 24 mã tăng trần.

Với diễn biến tiêu cực như trên, những dòng cổ phiếu có tính "nhạy cảm" với thị trường sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất. Nhiều mã chứng khoán bị bán mạnh và giảm sàn la liệt. APS. CTS, AGR, APG, BSI, ORS, VIX đều giảm kịch biên độ; SBS giảm 9,1%; HBS giảm 8,6%; ART giảm 6,9%; AAS giảm 5,4%... Tuy nhiên, vẫn có hai mã tăng là SSI tăng 1% và VND tăng 1,2%.

Cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ "cứu" thị trường vì hầu hết đã về nền giá thấp. Thế nhưng ngoại trừ TPB đóng cửa ở mức tham chiếu, tất cả mã còn lại đều giảm giá. Nhiều mã giảm sâu như PGB giảm 8,5%; EIB giảm 6,7%; BVB giảm 6,4%; HDB giảm 6,1%; LPB giảm 5,8%; ABB giảm 5,5%; OCB giảm 5,5%; VBB giảm 5,4%; NAB giảm 4,8%...

Dòng cổ phiếu thép cũng bị bán rất mạnh. TVN giảm 7%; HSG và NKG giảm sàn, trắng bên mua; TLH giảm 6,5%; POM giảm 6,2%; HPG giảm 4,1%; TIS giảm 3,6%; MEL giảm 2,1%.

Cổ phiếu dầu khí có PVD tăng 1,7% và PTL tăng trần; nhưng phần lớn cũng bị cuốn theo thị trường, giảm giá mạnh: POS giảm 13,9%; PXS giảm 6,7%; PXI giảm 6,6%; GAS giảm 4,8%; PVT giảm 4,8%; PVP giảm 4,3%; BSR giảm 3,3%.

Do mặt bằng cổ phiếu chiết khấu mạnh nên dòng tiền đổ vào thị trường mạnh hơn trong phiên chiều. Tổng giá trị giao dịch trên HSX trong phiên đạt 31.386,7 tỷ đồng, khối lượng giao dịch trên 1 tỷ đơn vị.

HNX có 138,53 triệu cổ phiếu tương ứng 3.577,07 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 96,74 triệu cổ phiếu tương ứng 2.034,39 tỷ đồng.

Theo các môi giới chứng khoán, việc thị trường giảm sâu với mức giảm quanh 100 điểm thì sẽ có những phiên hồi phục với mức tăng khoảng 30 đến 40 điểm. Do đó, nhà đầu tư không nhất thiết phải lo lắng thái quá, rơi vào hoảng loạn, bán ra bằng mọi giá.

Với những nhà đầu tư không dùng tới margin có thể tiếp tục quan sát và chủ động cơ cấu lại tài khoản hợp lý. Một số tài khoản chạm ngưỡng giải chấp sẽ có thời gian khoảng 2 ngày để xử lý.