Liên tục tăng cao, giá thịt lợn vọt lên mức kỷ lục

Dù dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, song với số lượng lợn tiêu huỷ khoảng 5,2 triệu con lợn đã đẩy giá lợn hơi xuất chuồng những ngày gần đây tăng phi mã và dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục.

Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), trong tháng 9/2019, giá lợn hơi trong nước biến động giảm nhẹ khi dịch tả lợn châu Phi trong nước đã được kiểm soát, nhiều hộ dân đã bắt đầu tái đàn.

Theo đó, tại miền Bắc, giá lợn hơi giảm 1.000–2.000 đồng/kg. Cụ thể, ởHà Nam, lợn hơi được thu mua trong khoảng 40.000-47.000 đồng/kg; Hoà Bình đạt 45.000 đồng/kg; Hưng Yên, Tuyên Quang, Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái giá ở mức 44.000-47.500 đồng/kg. Một số địa phươngcòn lại giá lợn hơi cao hơn khoảng 2.500-4.000 đồng/kg, ghi nhận ở mức 48.000-50.000 đồng/kg.

Tương tự, tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi đang dao động trong khoảng 39.000-45.000 đồng/kg; giảm 2.000 đồng/kg so với tháng trước.  Miền Nam giá lợn hơi xuất chuồng cùng giảm ở nhiều địa phương với mức giảm 1.000–5.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Gia Kiệm (Đồng Nai) có nơi đạt 47.000 đồng/kg; Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đạt 42.000 đồng/kg. Bình Dương, Bình Phước tiếp tục duy trì mức 41.000-42.000 đ/kg. Tại Tây Nam Bộ, giá lợn hơi vẫn ở mức thấp 37.000–40.000 đồng/kg.

Liên tục tăng cao, giá thịt lợn vọt lên mức kỷ lục - 1

Dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu huỷ 5,2 triệu con lợn khiến nguồn cung thịt lợn trong nước dần khan hiếm, đẩy giá tăng mạnh

Theo đơn vị này, dịch tả lợn châu Phi khiến 5,2 triệu con lợn trong nước bị tiêu hủy, tương đương 12% sản lượng cả nước cùng với nhu cầu nhập thịt lợn của Trung Quốc từ Việt Nam tăng mạnh. Dự báo, giá lợn hơi dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020 sẽ tăng cao.

Thực tế, những ngày gần đây giá thịt lợi tại cả 3 miền Bắc – Trung – Nam đang có chiều hướng tăng mạnh, nhiều nơi giá lợn tăng từng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Anh Nguyễn Văn Tiến, chủ một trang trại lợn ở Vĩnh Tường cho biết, lợn hơi xuất chuồng mỗi ngày tăng một giá. Hiện đã đạt mốc 51.000 đồng/kg, còn lợn giống loại 7kg/con đã tăng lên mức giá 1,3 triệu đồng/con.

Giá lợn tăng phi mã, lợn trong dân đã hết, thương lái đang lùng mua ráo riết khắp vùng. Theo anh, nguyên nhân là vì các hộ bị dịch tả lợn châu Phi phải tiêu huỷ đàn lợn hiện vẫn chưa dám vào đàn vì sợ dịch tái phát, trong khi các hộ chưa bị dịch cũng e ngại nên nguồn cung ngày càng khan hiếm, đẩy giá tăng cao.

“Dịp này giá tăng cao, mỗi con lợn bán xuất chuồng lãi cả triệu bạc, nhưng dân hết lợn rồi. Tại khu vực nhà tôi hiện chỉ có các hộ dân nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi là còn lợn trong chuồng”, anh Tiến chia sẻ.

Tại Hưng Yên, Hà Nội thịt lợn hơi xuất chuồng đã tăng lên mức 52.000 đồng/kg; giá heo hơi tại Thái Bình, Nam Định cũng đạt 50.000-51.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá heo hơi hôm nay 4/10 tại chợ đầu mối ở Bình Lục (Hà Nam) giá giao dịch ở mức 53.000 đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với ngày đầu tháng 10.

Ở các tỉnh miền Trung, nhiều nơi như Nghệ An, Thanh Hoá, Khánh Hoà,… giá lợn hơi cũng đã tăng lên mốc 47.000 đồng/kg. Còn ở miền Nam giá phổ biến ở mức 43.000-47.000 đồng/kg, có nơi đã chạm mốc 50.000 đồng/kg.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận, tại thị trường trong nước cũng có những dự báo giá lợn sẽ lên cao, thập chí rất cao trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở. Bởi nguồn cung heo tại Việt Nam và các nước lân cận, nhất là lượng heo từ Trung Quốc cũng đang giảm mạnh vì bị ảnh hưởng do dịch. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng qua, giá lợn hơn vẫn xoay quanh mức 48.000-50.000 đồng/kg, điều này cho thấy sức cung vẫn còn.

Theo ông Tiến, việc thiếu thịt lợn trong dịp Tết tới hiện vẫn chưa có căn cứ nào để tính được cụ thể. Song, từ thực tiễn, dự báo giá thịt lợn sẽ tăng cao, có thể tăng lên mức 55.000-60.000 đồng/kg vào những tháng cuối năm.

Song, ông Tiến cũng cho biết, hiện dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế tốt. Tổng kết tiêu hủy lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi tháng 8 so với tháng 7 giảm 20%, so với tháng 5 tháng 6 giảm 35-40%. 

Đặc biệt, tín hiệu đáng mừng là trải qua 8 tháng dịch tả lợn châu Phi xảy ra, từ thực tiễn đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch tả, giúp ổn định đàn lợn, ông Tiến cho hay.

Theo Như Băng

VietnamNet