Liên tiếp thương vụ “nghìn tỷ”, Việt Nam lộ diện dần loạt “đại gia ngầm”
(Dân trí) - Các thương vụ thoái vốn khỏi Vinaconex của Viettel, SCIC và của quỹ ngoại Pyn Elite Fund đã giúp lộ diện một loạt doanh nghiệp trong nước với tiềm lực tài chính “khủng” như Bất động sản Cường Vũ, An Quý Hưng, Đầu tư Star Invest.
Trong phiên giao dịch sáng nay (7/1/2019), cổ phiếu VCG của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) hồi phục 400 đồng tương ứng 1,8% lên 23.000 đồng sau 2 phiên giảm vào cuối tuần trước.
Theo công bố của Vinaconex, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ đã mua vào hơn 94 triệu cổ phiếu của tổng công ty này và chính thức trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 21,28% vốn điều lệ Vinaconex vào ngày 27/12/2018.
Đây chính là số cổ phiếu do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) bán đấu giá trọn lô vào ngày 22/11/2018. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ đã chi ra khoảng 21.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng trên 2.000 tỷ đồng cho thương vụ này.
Bất động sản Cường Vũ chỉ vừa mới thành lập cách đây hơn 1 năm vào ngày 7/11/2017, có trụ sở tại phường Tân Quy, quận 7, TPHCM. Người đại diện của công ty này là ông Vũ Xuân Cường.
Trước đó, một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH An Quý Hưng cũng đã chính thức nhận chuyển nhượng 254,9 triệu cổ phiếu VCG tương ứng 57,71% vốn điều lệ sau khi chi ra 6.823 tỷ đồng cho SCIC để trở thành cổ đông lớn nhất của Vinaconex.
Cổ phiếu VCG đã có diễn biến về giá khá tốt sau các thương vụ thoái vốn của Viettel và SCIC. Tuy nhiên, mới đây, quỹ ngoại Pyn Elite Fund lại thoái toàn bộ 33,5 triệu cổ phiếu VCG cho Công ty TNHH Đầu tư Star Invest và thu về gần 840 tỷ đồng.
Vào ngày 11/1 tới đây, Vinaconex sẽ tiến hành phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để kiện toàn nhân sự Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 2017 - 2020.
Trên thị trường sáng nay, với khoảng trên 320 mã cổ phiếu tăng giá so với 198 mã giảm, các chỉ số đều tăng điểm tích cực.
Cụ thể, VN-Index sau khi vượt mốc 890 điểm thì đã thu hẹp đà tăng còn 8,55 điểm tương ứng 0,97%, tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng tại 889,45 điểm. HNX-Index cũng tăng 1,26 điểm tương ứng 1,25% lên 102,11 điểm.
Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường lại rất thấp. Tổng cộng chỉ có 60,47 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương ứng 1.191,28 tỷ đồng, còn trên HNX là 12,83 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 156,51 tỷ đồng.
Trong phiên này, thị trường nhận được sự hỗ trợ khá lớn từ một số mã lớn như VNM, BID, VCB, GAS, MSN… trên HSX và ACB, SHB, PVS trên HNX.
Trong đó, VNM đóng góp gần 2,5 điểm cho VN-Index còn BID cũng đóng góp tới 1,32 điểm. Chiều ngược lại, VHM, NVL, ROS giảm giá đã kìm hãm đáng kể đà tăng của thị trường.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VN-Index đã tăng trở lại nhưng chưa thể khẳng định xu hướng sẽ thay đổi trong ngắn và trung hạn. Nhà đầu tư được khuyến nghị nên thận trọng và chờ lực mua được kiểm chứng bởi rủi ro chỉ số giảm trở lại vẫn có thể xảy ra.
Trong khi đó, theo Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), nhà đầu tư không quan tâm đến những thông tin tích cực từ vĩ mô và doanh nghiệp trong khi đang bị chi phối mạnh từ thị trường thế giới.
Phiên hồi phục cuối tuần giúp VN-Index lấy lại 880 điểm, dù vậy trạng thái mong manh chưa xác nhận cho xu thế hồi phục ngắn hạn. Trong tuần tới, cuộc đàm phán Mỹ - Trung sẽ diễn ra cụ thể hóa cam kết của 2 nguyên thủ vào đầu tháng 12.
“Những thông tin khả dĩ từ cuộc họp này mới có thể đủ mạnh để kéo thị trường khỏi trạng thái bi quan hiện tại”, BSC nhận định.
Mai Chi