1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

8x bí ẩn bất ngờ thành đối trọng đại gia Nguyễn Xuân Đông ở Vinaconex

Cục diện cuộc thâu tóm Vinaconex dần rõ ràng hơn với sự xuất hiện của đại gia bí ẩn thứ hai khi ông Nguyễn Xuân Đông tiến hành thương vụ 7.400 tỷ chấn động.

Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) vừa công bố báo cáo về việc trở thành cổ đông lớn của Công ty TNHH Đầu tư Star Invest. Theo đó, một doanh nghiệp vừa thành lập Star Invest đã nâng sở hữu tại Vinaconex từ 0 cổ phiếu lên 33.455.400 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 7,57% từ ngày 24/12/2018.

Như vậy, gần như chắc chắn Star Invest là doanh nghiệp đã chi ra khoảng 840 tỷ đồng để mua trọn lô cổ phần từ quỹ ngoại Pyn Elite Fund sau khi Vinaconex xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là mức 0% vốn điều lệ - một quy định buộc các NĐT ngoại phải bán ra cổ phiếu.

Trong cùng ngày 24/12, Pyn Elite Fund đã bán ròng gần 34 triệu cổ phiếu VCG thông qua giao dịch thỏa thuận và phần lớn được thực hiện tại mức giá 25.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị 836 tỷ đồng.

8x bí ẩn bất ngờ thành đối trọng đại gia Nguyễn Xuân Đông ở Vinaconex - Ảnh 1.

StarInvest trở thành cổ đông lớn của Vinaconex, xếp thứ 2 sau An Quý Hưng của ông nguyễn Xuân Đông.


Hiện tại, cơ cấu cổ đông mới của Vinaconex hậu thoái vốn Nhà nước đã xuất hiện 3 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% cổ phần, bao gồm An Quý Hưng đại diện bởi ông Nguyễn Xuân Đông (57,71%), Star Invest (7,57%) và một nhà đầu tư mua 21,3% cổ phần VCG từ Viettel vẫn chưa tiết lộ danh tính.

Vụ thâu tóm Vinaconex với mức giá rất cao, tổng cộng lên tới cả chục ngàn tỷ đồng, đã đem về cho Nhà nước một món tiền lớn. Nhưng giới đầu tư cũng tò mò về những toán tính của các đại gia bí ẩn trong các thương vụ ngàn tỷ này.

Trong phiên đấu giá cổ phiếu Vinaconex (VCG) do SCIC thoái vốn diễn ra hôm 22/11 An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông bỏ ra 7.360 tỷ đồng để sở hữu trọn lô 57,7% cổ phần VCG. Mức giá An Quý Hưng mua với giá rất cao: 28.900 đồng/cp, cao hơn nhiều giá khởi điểm 21.300 đồng/cp, vượt xa giá giao dịch trên sàn chứng khoán khi đó là 18.500 đồng/cp.

Trong khi đó, Star Invest là doanh nghiệp vừa mới được thành lập vào 9/11/2018 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trong phiên đấu giá ngày 22/11, Star Invest cũng là một trong 4 nhà đầu tư đã tham gia đấu giá nhưng đã thất bại trước An Quý Hưng.

Star Invest có địa chỉ tại Tầng 5, tòa nhà Sentinel Place, 41A Lý Thái Tổ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của Star Invest là ông Đặng Thế Anh Đức sinh năm 1985.

8x bí ẩn bất ngờ thành đối trọng đại gia Nguyễn Xuân Đông ở Vinaconex - Ảnh 2.

Ông Đặng Thế Anh Đức là đại diện StarInvest.

                                            

Vinaconex là tên tuổi lớn trong ngành xây dựng Việt Nam và là doanh nghiệp có quỹ đất khá lớn, lên tới hàng triệu mét vuông. Trong đó, nổi bật nhất là dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) tại phía Tây của Hà Nội với diện tích hơn 264 hecta, trong đó VCG nắm 50% và 1 công ty con của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nắm giữ (mua từ Posco E&C của Hàn Quốc).

Nguồn lực của VCG còn là 310 ha đất ở khu công nghệ cao Hòa Lạc và Thạch Thất, gần 3.500 m2 đất tại Trung Hòa - Nhân Chính. Đây là những khu đất được VCG đi thuê và kinh doanh (tự kinh doanh hoặc cho thuê lại).

Viwasupco - một công ty con của Vinaconex hiện nắm giữ một dự án rất quan trọng: đường ống nước sông Đà số 2 cung cấp nước cho Hà Nội. Trong dự án  này, Viwasupco đã chọn nhà thầu Trung Quốc cung cấp ống dẻo.

Trong giai đoạn 1, dự án nước sông Đà có công nghệ Trung Quốc và đã gặp sự cố vỡ ống 17 lần do chất lượng ống không đồng đều, đường ống được làm bằng vật liệu composite, không chịu được lực uốn và biến dạng.

Vào ngày 11/1/2019 tới đây, Vinaconex sẽ tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường. Nội dung cuộc họp dự kiến là việc kiện toàn nhân sự HĐQT, Ban kiểm soát Vinaconex nhiệm kỳ 2017-2022 (sau thoái vốn).

8x bí ẩn bất ngờ thành đối trọng đại gia Nguyễn Xuân Đông ở Vinaconex - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Xuân Đông.

Trên thị trường chứng khoán , áp lực bán vẫn còn khá lớn, thanh khoản tụt giảm. VN-Index rớt về sát 890 điểm trong phiên đầu năm 2019, sau khi đã mất tổng cộng 9,3% trong cả năm 2018.

Một số cổ phiếu nổi bật giảm sàn như Sabeco (SAB), Vicostone (VCS) của ông Hồ Xuân Năng, QCG của nhà ông Nguyễn Quốc Cường,... Nhiều cổ phiếu trụ cột như VPBank (VPB), VietJet (VJC), Hòa Phát (HPG),... đều giảm.

Một số công ty chứng khoán có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, dòng tiền tỏ ra khá dè dặt trước xu hướng bấp bênh của thị trường. Không thể vượt qua vùng trống giá 903-908 điểm khiến rủi ro tiếp tục giảm điểm của thị trường tăng lên. Nếu không vượt qua được vùng kháng cự trên mà lại phá vùng hỗ trợ 881 điểm thì nhiều khả năng thị trường sẽ lui về vùng hỗ trợ 855-870 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/1, VN-Index giảm 0,79 điểm xuống 891,75 điểm; HNX-Index giảm 1,56 điểm xuống 102,67 điểm. Upcom-Index giảm 0,04 điểm xuống 52,79 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 136 triệu đơn vị, trị giá 3,3 ngàn tỷ đồng.

Theo V. Hà
VietnamNet

8x bí ẩn bất ngờ thành đối trọng đại gia Nguyễn Xuân Đông ở Vinaconex - Ảnh 4.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm