1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Liberty Reserve là hồi chuông cảnh báo cho các ngân hàng VN”

(Dân trí) - Đánh giá trình độ tội phạm rửa tiền càng ngày càng tinh vi, song TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn đề này ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức dù đã có luật. Giữa lúc đó, tiền ảo lại đang là công cụ lý tưởng cho các tổ chức rửa tiền.

Giữa lúc vụ rửa tiền rúng động thế giới Liberty Reserve (LR) đang được điều tra và truy tố làm dấy những mối lo ngại về  một thị trường buôn bán, kinh doanh LR đã xuất hiện nhiều năm ở Việt Nam, ít nhiều đã gây ra hệ luỵ, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi riêng với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và được biết tới là ông chủ một ngân hàng đầu tiên của người Việt trên đất Mỹ.

TS Nguyễn Trí Hiếu.

TS Nguyễn Trí Hiếu.

Thưa TS, qua trường hợp của LR có thể thấy hoạt động chuyển tiền dường như rất dễ dàng. Vậy ở Việt Nam hiện nay, hàng rào pháp lý đối với những giao dịch tương tự hiện như thế nào thưa ông?

Ở Việt Nam hiện đã có Luật phòng chống rửa tiền. Luật này bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay và các tổ chức tín dụng trong nước hầu như cũng đã có những bộ phận phụ trách. Tuy nhiên, nhìn chung các ngân hàng chưa quan tâm đầy đủ và đúng mức về vấn đề này.

Về nghiệp vụ mà nói thì các ngân hàng phải có bộ phận riêng rà soát tất cả các giao dịch hàng ngày. Có rất nhiều yêu cầu đặt ra trong vấn đề an ninh tiền tệ, đòi hỏi ngân hàng phải quản trị nhiều hơn, phải bổ sung nguồn lực cho khâu theo dõi, kiểm soát dòng tiền.

Trong Luật phòng chống rửa tiền có quy định về hạn mức giao dịch tiền mặt. Tất cả các giao dịch gửi tiền hoặc rút tiền từ 500 triệu đồng trở lên đền phải qua khâu khai báo với ngân hàng. Ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin, mục đích. Trong trường hợp khách hàng từ chối thì ngân hàng buộc phải huỷ giao dịch, đó là bổn phận của ngân hàng.

Vậy, ngân hàng sẽ phải ứng xử như thế nào khi khách hàng giao dịch với những khoản tiền lớn song dưới hạn mức 500 triệu như Luật quy định?

Đây là một mánh khoé của những tội phạm rửa tiền có hiểu biết về luật pháp. Thông thường họ thường chia nhỏ thành nhiều khoản tiền dưới hạn mức phải khai báo.

Trong hệ thống tài chính ngân hàng ở Mỹ, các cơ quan an ninh như FBI buộc ngân hàng phải có phần mềm theo dõi, phát hiện tất cả những hành vi Splitting (chia nhỏ).

Ví dụ hạn mức 500 triệu đồng phải khai báo thì tội phạm có thể sẽ chia ra thành những món nhỏ 100-300 triệu đồng, nộp/rút tại nhiều chi nhánh khác nhau. Thế nhưng, phần mềm theo dõi của ngân hàng sẽ quét toàn bộ dữ liệu về giao dịch của các tài khoản, tên khách hàng và sẽ phát hiện được tổng các món tiền gộp lại từ 500 triệu.

Việt Nam hiện nay chưa có điều khoản bắt buộc, tuy nhiên, cũng đã đến lúc các ngân hàng thương mại phải lưu ý và có đánh giá đầy đủ, lưu tâm nhiều hơn đến vấn đề này, trong những trường hợp cần thiết cần báo cáo với các cơ quan chức năng.

Ông đánh giá như thế nào về sự tác động và ảnh hưởng của các ngân hàng có liên quan sau vụ đổ bể LR?

Theo đánh giá của tôi thì các ngân hàng có liên quan chắc chắn không tránh khỏi bị ảnh hưởng về mặt uy tín. LR là một tổ chức có nhiều hoạt động phi pháp phạm vi toàn cầu, do vậy, không chỉ những ngân hàng ở Việt Nam mà tất cả các ngân hàng khác trên thế giới bị lính líu tới đều bị ảnh hưởng.

Nguyên tắc là, LR là một tổ chức có mối liên hệ với các ngân hàng thì mỗi ngân hàng phải có trách nhiệm điều tra kỹ càng và cảnh giác.

Đây cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh để các ngân hàng thương mại rút ra bài học cho chính mình.

Ông đánh giá như thế nào về việc các giao dịch loại tiền này đã tồn tại nhiều năm ở Việt Nam mà đến tận lúc câu chuyện ở Mỹ vỡ lở thì mới chú ý tới?

Cần phải nhìn nhận một thực tế là các hành vi phạm pháp luôn đi trước pháp luật. Không chỉ ở Việt Nam mà đây là câu chuyện toàn thế giới. Các tổ chức phạm pháp rất thông minh và luôn sáng tạo trong cách thức hành động, trong hành vi lách luật và sử dụng những công nghệ tiên tiến để qua mặt cơ quan chức năng.

Thế nên cũng dễ hiểu khi mà thị trường giao dịch loại tiền này có từ nhiều năm nhưng đến bây giờ mới được quan tâm đúng mực.

Tất nhiên khó phát hiện nhưng không phải là không. Với dạng thức hoạt động của LR thì cơ quan chức năng nếu cảnh giác vẫn sẽ phát hiện được.

Trong vụ tiếp tay rửa tiền của LR, việc thanh toán tiền rất dễ dãi, khách hàng chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác trong hệ thống mà không cần khai báo tên thật cũng như nội dung giao dịch. Thế nên, những người có ý định rửa tiền có thể lập các tài khoản nặc danh để chuyển tiền và thanh toán.Tuy nhiên, LR chỉ có thể vận hành khi thông qua các ngân hàng.

LR chỉ là 1 trong nhiều loại tiền tệ ảo (bitcoin). Ông đánh giá như thế nào loại tiền này cũng như giao dịch các loại tiền này?

Đúng vậy, LR không phải là 1 loại tiền thật mà là tiền tệ ảo, thế nên các giao dịch bằng LR dễ qua mặt cơ quan chức năng vì bitcoin không chịu sự quản lý bất kỳ một cơ quan nào.

Nhưng phải lưu ý thế này: Xét về nguyên tắc, các giao dịch này không phạm pháp. Ví dụ trong một lãnh thổ, tôi vào một casino, tôi dùng tiền thật để mua “coin”, tôi hoàn toàn có thể dùng “coin” để đổi chác, mua bán trong phạm vi cho phép.

Giao dịch chỉ phạm pháp khi người dùng có ý định, mục đích rửa tiền. Và việc không có một quy định, một cơ chế nào quản lý “coin” cho nên mới tạo ra một sân chơi, một “room” cho hoạt động rửa tiền.

Tội phạm thu tiền từ các hoạt động phạm pháp như lừa đảo tín dụng, lừa đảo đầu tư, mại dâm, buôn bán ma tuý… đều là “tiền bẩn”. Để dùng được tiền này mà không bị nhòm ngó thì tội phạm phải thực hiện “rửa tiền” qua hệ thống ngân hàng hay bất động sản để thu về “tiền sạch, tiền tươi”.

Và với sự dễ dãi trong thị trường tiền “bitcoin” như LR thì rõ ràng là một mảnh đất để tội phạm rửa tiền lui tới.

Đồng tiền nào ra đời cũng có những ý nghĩa nhất định của nó. Sự tồn tại của bitcoin chỉ nên được cho phép trong một phạm vi nhất định, lưu hành nội bộ với những mục đích nhất định, hợp pháp. Không thể cho phép bitcoin giao dịch rộng rãi ra bên ngoài và trở thành 1 loại tiền tệ, ngoại tệ mua bán, trở thành công cụ cho tội phạm rửa tiền lợi dụng.

Luật phòng chống rửa tiền đã có hiệu lực từ 1/1/2013, và qua vụ việc này, các tổ chức tín dụng và các bên liên quan cũng nên để ý tới, để áp dụng luật vào cuộc sống chứ không phải ban hành luật rồi chỉ để đó.

Cảm ơn ông vì buổi chia sẻ này!
Luật Phòng, chống rửa tiền, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng chống rửa tiền ở Việt Nam, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.

Về tổng thể, cơ chế phòng, chống rửa tiền theo Luật phòng chống rửa tiền 2012 được thực hiện chủ yếu thông qua việc thiết lập một cơ chế thu thập, xử lý các thông tin về nhận dạng khách hàng, thông tin về giao dịch bất thường, giao dịch có giá trị lớn để xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, sàng lọc, xác định các giao dịch có nguy cơ liên quan đến hành vi rửa tiền được thực hiện thông qua các giao dịch tại các tổ chức tài chính, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.

Bích Diệp
Thực hiện