Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến các ngân hàng Trung Quốc “mất trắng”

Hương Vũ

(Dân trí) - Cố vấn cao cấp của Bắc Kinh cảnh báo, nếu cuộc thương chiến Mỹ- Trung lan rộng đến lĩnh vực tài chính, Mỹ không chỉ trừng phạt các ngân hàng mà có thể còn tịch thu tài sản của họ ở nước ngoài.

Tiền lệ “đáng sợ”

Yu Yongding, thành viên cấp cao của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một tổ chức tư vấn của chính phủ Trung Quốc đã chia sẻ tại một diễn đàn do Tin tức Bắc Kinh tổ chức về một viễn cảnh tương lai.

Theo ông Yu, một kịch bản rất dễ xảy ra là Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng Trung Quốc, như đã từng xảy ra vào năm 2012 đối với Ngân hàng Kunlun.

Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến các ngân hàng Trung Quốc “mất trắng” - 1
Yu Yongding từng là 1 thành viên thuộc Ủy ban Chính sách và Tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Trước đó, Kunlun đã được Bắc Kinh chọn như một ngân hàng chủ chốt xử lý hàng tỷ USD trong thanh toán dầu mỏ cho Iran, bảo vệ các ngân hàng khác khỏi bị phạt theo các lệnh trừng phạt của phương Tây từ năm 2010 tới năm 2015.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ năm 2012 đã cấm Kunlun tiếp cận trực tiếp với hệ thống tài chính Mỹ. Hầu hết các giao dịch của ngân hàng này được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ và đồng euro.

Đến tháng 8/2018, Kunlun dừng giao dịch bằng đồng euro và một tháng sau đó, đồng nhân dân tệ cũng bị dừng giao dịch tại ngân hàng này khi phải chịu áp lực bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Những động thái chưa được báo cáo trước đây của Kunlun nhấn mạnh một loạt áp lực Bắc Kinh phải đối mặt khi Washington tái áp đặt các lệnh trừng phạt cho lĩnh vực tài chính và dầu mỏ của Iran từ đầu tháng 11/2018.

Tuy nhiên, theo cố vấn Yu thì việc cấm các ngân hàng Trung Quốc giao dịch với hệ thống tài chính của Mỹ chỉ là một trong nhiều cách mà Mỹ có thể gây đau đớn cho Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính.

Tịch thu tài sản

Bloomberg nhận định, Washington đang sử dụng sự thống trị của đồng bạc xanh trong các giao dịch quốc tế nhằm gây áp lực khi đối đầu với Trung Quốc. Trong khi đó, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cần duy trì khả năng tiếp cận các thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là vào thời điểm Bắc Kinh phải hỗ trợ nền kinh tế thoát khỏi tác động của dịch Covid-19.

Số liệu của Bloomberg cho thấy, quỹ dự trữ bằng USD của 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đạt mức 1,1 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2019.

Ông Yu nói: “Các biện pháp trừng phạt tài chính có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhằm vào các ngân hàng hoặc một số ngành công nghiệp nhất định,” và cho biết thêm rằng: Mỹ có thể thu giữ tài sản ở nước ngoài của Trung Quốc nếu xung đột nổ ra. “Không thể loại trừ khả năng này", ông nói.

Các động thái gần đây của chính quyền Trump, chẳng hạn như đe dọa cấm TikTok nếu nó không được bán cho Mỹ, là “vô liêm sỉ”, Yu nói. “Chúng tôi thực sự khó đoán trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.

Cảnh báo của ông phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà nghiên cứu và quan chức Trung Quốc về một “cuộc chiến tài chính” toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ, với nhiều ý kiến cho rằng phía Mỹ sẽ có lợi thế rõ ràng nhờ vai trò chi phối của đồng đô la Mỹ xuyên biên giới.

Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến các ngân hàng Trung Quốc “mất trắng” - 2

Rủi ro đối với các ngân hàng Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt đang trở thành hiện thực

Rủi ro đối với các ngân hàng Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt đang trở thành hiện thực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước ra lệnh trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông về vai trò của họ trong việc thực thi luật an ninh quốc gia mới tại Hồng Kông. Tài sản của họ ở Mỹ sẽ bị đóng băng.

Lệnh trừng phạt cũng cấm các ngân hàng làm ăn với các quan chức nằm trong “danh sách đen”, nếu vi phạm có thể mất đường tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ.

Bloomberg hôm 12/8 cho biết, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Thương mại Trung Quốc – đều có hoạt động tại Mỹ - tỏ ra thận trọng trong việc mở tài khoản mới cho 11 quan chức bị trừng phạt, bao gồm Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam. Ít nhất một ngân hàng đã đình chỉ hoạt động như vậy.

Một số ngân hàng nước ngoài, trong đó có Citigroup (Mỹ), đã tạm khóa tài khoản hoặc tăng cường giám sát khách hàng Hồng Kông, theo các nguồn tin của Bloomberg.

Lựa chọn dành cho Trung Quốc “có hạn”

Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến các ngân hàng Trung Quốc “mất trắng” - 3

Yu cho biết Trung Quốc phải đối mặt với “một loạt các mối đe dọa từ Mỹ” về các hạn chế tài chính. Ảnh: SCMP

Trên hết, Yu cho biết Washington có thể “tống tiền” các ngân hàng Trung Quốc bằng cách đánh những khoản tiền phạt khổng lồ để khiến họ tuân thủ các yêu cầu của Mỹ.

Trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hầu như vẫn bị tắt tiếng, cuộc tranh luận đang trở nên sôi nổi giữa các nhà kinh tế và nhà phân tích ở Trung Quốc, những người đang suy đoán liệu Mỹ có thể sử dụng Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Clearing House (Chips) và Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Swift) để cố gắng loại bỏ Trung Quốc khỏi hệ thống đô la Mỹ hay không.

Yu cho biết, các lựa chọn của Bắc Kinh là có hạn và nó phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nhà cố vấn Yu còn đánh giá chiến lược “lưu thông kép” của Chủ tịch Tập Cận Bình, tập trung vào thị trường nội địa để phòng ngừa trước môi trường thù địch bên ngoài, là lựa chọn đúng đắn trong bối cảnh rủi ro về phân tích tài chính và trừng phạt.

“Từ quan điểm lâu dài, một điều chỉnh như vậy sẽ tăng cường đáng kể an ninh tài chính của Trung Quốc và giảm thiểu thiệt hại trong một cuộc chiến tài chính của Mỹ”, ông Yu nhận định.