Lễ tang nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt được tổ chức ngày 23/12 tại Hà Nội

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Lễ tang nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt sẽ được tổ chức ngày 23/12 (tức ngày 10/11 âm lịch) tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Theo thông tin từ phía gia đình và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ Investconsult Group cung cấp cho Dân trí, lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng ông Nguyễn Trần Bạt, chủ tịch Investconsult Group sẽ được tổ chức sau đây 1 tuần lễ.

Cụ thể, lễ viếng luật sư, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt sẽ được tổ chức từ 9 giờ 15 phút đến 11 giờ 05 phút ngày 23/12/2020 (tức ngày 10/11 năm Canh Tý) tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ tang nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt được tổ chức ngày 23/12 tại Hà Nội - 1

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt qua đời sau cơn đột quỵ tại bệnh viện ở Hà Nội ngày 15/12. (Ảnh Mạnh Quân)

Lễ truy điệu sẽ được tổ chức vào hồi 11 giờ 05 phút cùng ngày. Lễ di quan sẽ được tổ chức vào 11 giờ 30 phút.

Thi hài ông Nguyễn Trần Bạt sẽ được hỏa táng tại Thiên Đức, Vĩnh Hằng Viên, Phú Thọ cùng ngày.

Lễ an táng sẽ được tổ chức vào lúc 11 giờ ngày 24/12 tức ngày 11/11 năm Canh Tý tại Thiên Đức, Vĩnh Hằng Viên, Phú Thọ.

Ông Nguyễn Trần Bạt (1946 - 2020) qua đời sau cơn đột quỵ. Ông mất tại bệnh viện ở Hà Nội vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 15/12. Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt sinh tại Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, từng có thời gian phục vụ quân ngũ, làm nhiều ngành nghề như giao thông, thương mại, sau này thành công hơn cả trong lĩnh vực đầu tư và tư vấn...

Cố Luật sư, Nhà nghiên cứu, doanh nhân Nguyễn Trần Bạt đương thời là người bạn, chuyên gia uy tín của báo Dân trí và hàng triệu độc giả báo. Ông đã dành nhiều thời gian để phỏng vấn, trao đổi và phản biện các vấn đề mà báo Dân trí đưa ra, trong đó có rất nhiều vấn đề lớn về kinh tế xã hội, kinh tế chính trị và kinh tế thế giới.

Các bài phỏng vấn của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt được thực hiện và đăng tải đón nhận sự hưởng ứng lớn từ độc giả, dư luận trong và ngoài nước. Tư duy của ông thể hiện thực tế, sinh động và sắc sảo mang triết lý của một nhà tư vấn đầu tư, nhà tư vấn chính sách lớn không chỉ cho các nhà đầu tư tại Việt Nam mà còn cho các nhà đầu tư lớn từ các nước vào Việt Nam những năm đầu đổi mới.

Trong một bài phỏng vấn của báo Dân trí với ông hồi tháng 8/2020 với ông Nguyễn Trần Bạt về việc Apple cân nhắc chưa chọn Việt Nam thay Trung Quốc sản xuất iPhone, iPad vì điều kiện ăn ở công nhân, chuyên gia Trần Bạt bày tỏ tiếc nuối và cho rằng:

"Chúng ta chỉ chuẩn bị cho thu hút đầu tư mà không chuẩn bị cho con người. Đấy là "du thủ du thực" về phương diện văn hóa công nghiệp. Trong tất cả câu chuyện đón lõng đầu tư nước ngoài cần chú trọng đến yếu tố giáo dục con người.

Chúng ta đừng quên rằng người ta cần tìm kiếm là con người có giáo dục, có năng lực nghề nghiệp. Việt Nam không đủ điều kiện để quyến rũ các công ty ồ ạt chạy vào, chúng ta còn thiếu rất nhiều thứ. Như trường hợp Apple, nguyên nhân thiếu chỗ ở cho công nhân thì không thể tiến hành sản xuất ở đây được là sự thật đáng buồn! Việc Apple bỏ đi không chọn Việt Nam cho thấy, chúng ta đã chưa thực sự chuẩn bị kỹ "tổ" để đón đại bàng. Nhất là về vấn đề con người"..

Đánh giá về những cơ hội của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài nhờ mở cửa. Ông Nguyễn Trần Bạt từng kể về một kỷ niệm khá buồn nhưng ông không quên.

Đó là: " Những năm đầu tiên của đầu tư nước ngoài , tôi từng tham dự những lớp tập huấn của các giáo sư người Mỹ tại văn phòng Chính phủ. Có buổi một vị giáo sư hỏi một quan chức cấp Thứ trưởng của Việt Nam: "Trâu bò ở nước các anh thuộc tài sản cố định hay lưu động?". Vị thứ trưởng trả lời tỉnh bơ là "tài sản lưu động vì nó đi lại và dịch chuyển được"!"

Lễ tang nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt được tổ chức ngày 23/12 tại Hà Nội - 2

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt là người bạn lớn, chuyên gia uy tín của báo Dân Trí và độc giả. Với tư duy mở, sắc sảo và ân cần, ông nhận được sự kính trọng của nhiều nhà báo trong và ngoài nước. (Buổi phỏng vấn của phóng viên Dân trí với ông Nguyễn Trần Bạt ngày 16/11, cách đây tròn một tháng) - (Ảnh Mạnh Quân)

Cố luật sư, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt buồn rầu nói: "Có những lúc ngớ ngẩn như vậy mà chúng ta còn mở cửa và thu hút được các doanh nghiệp FDI thì nay chúng ta đã khác rồi, tại sao không kéo họ vào được. Người đòi hỏi chúng ta mở cửa khôn hơn chúng ta nhiều, họ đặt tiền cho chúng ta rồi, họ cần chúng ta làm thật, nghĩ thật. Chúng ta dốt cũng được, nhưng phải thật!".

Ông bày tỏ sự thiết tha về một Việt Nam hùng cường, cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia khác:

"Việc chúng ta thiếu nhiều thứ không phải là một bí mật. Vấn đề là chúng ta cần hình dung ra toàn bộ thực tế thiếu ấy. Những người lãnh đạo cần phải tổ chức ra những nhiệm vụ và giao cho xã hội thực hiện để lấp những chỗ thiếu ấy. Tôi nghĩ có lẽ chúng ta cần phải bình tĩnh suy nghĩ lại xem chúng ta cần chuẩn bị những gì", ông Bạt nói.

Trong bài phỏng vấn của Dân trí với chuyên gia Nguyễn Trần Bạt ngày 16/11 về cuộc bầu cử Mỹ tác động thế nào đối với kinh tế thế giới và Việt Nam, ông Bạt bày tỏ sự quan tâm và có nhiều tư tưởng vượt tầm.

Ông nói: "Những đóng góp của ông Trump về mặt nhận thức cho nước Mỹ là không thể chối cãi và càng không thể vì thất cử mà mất đi. Cái có ích của một nhân vật chính trị chiến lược là những cái họ làm rồi, chỉ có điều nó chưa hiện hình đủ thôi. Nhiều người hỏi tôi nếu ông Biden thắng cử thì thái độ của người Mỹ với Trung Quốc có thay đổi không? Tôi nói là không!".

Vị chuyên gia, nhà tư vấn chính sách thừa nhận: " Nhận thức của Mỹ về Trung Quốc đã thay đổi dưới thời ông Trump. Chính vì thế mà trong khi tranh cử, ông Biden không hề xung đột với ông Trump. Nếu không nhận thức được vai trò mới, địa vị mới của nước Mỹ đối với thế giới và đối với vấn đề Trung Quốc thì không phải nhà chính trị chiến lược".

Cố luật sư, nhà nghiên cứu và doanh nhân Nguyễn Trần Bạt không chỉ có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn chính sách, kêu gọi vốn phi chính phủ, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những năm 80 mà còn là người bạn của nhiều nhà đầu tư, giới học thuật và giới báo chí. Tư duy sắc sảo, óc phản biện thực tế và sự linh hoạt đã đưa ông trở thành nhà tư vấn kinh tế hàng đầu của Việt Nam những năm đầu đổi mới.