"Lão tướng" FPT Đỗ Cao Bảo: Đi làm đừng chỉ coi thu nhập là số một
(Dân trí) - Bàn chuyện nhân lực bền vững, doanh nhân Đỗ Cao Bảo nói người coi thu nhập là số một thì rất khó gắn bó lâu dài. Người coi số một là cơ hội phát triển bản thân mới là nhân viên quan trọng của công ty.
Trong ChatToday số ngày Quốc tế lao động (1/5), ông Đỗ Cao Bảo - Ủy viên HĐQT, Chủ tịch Ủy ban Nhân sự và lương thưởng Tập đoàn FPT - trải lòng về câu chuyện nhân lực bền vững trong doanh nghiệp Việt.
Chọn nhân lực đi đường dài đừng chọn người chỉ coi thu nhập là số một
Khách mời của ChatToday số ngày 1/5 cho rằng nếu không có chiến lược nhân lực bền vững thì doanh nghiệp rất khó lớn mạnh, rất khó để tồn tại lâu hoặc cứ lùng bùng. Nên là tại sao cùng một công ty, cùng một doanh nghiệp 10 năm có công ty thế này, cùng 20 năm có công ty thế này… Lý do là ngay từ đầu cần xác định giá trị bền vững.
"Mọi người hay nói thế hệ này khác thế hệ khác. Ngày xưa các anh khác, giờ chúng tôi khác nhưng trong cuộc sống có những giá trị bền vững theo thời gian, có thứ thay đổi theo thời gian", ông chia sẻ.
Từ phía doanh nghiệp, câu chuyện tạo ra môi trường để phát triển nguồn nhân lực bền vững cũng rất quan trọng. Ông Bảo nói lãnh đạo cần hiểu nhân viên cần gì. Nhiều doanh nghiệp lầm tưởng đó là thu nhập, nhưng bản chất đó không phải là số một.
Con người ta cần số một là cơ hội phát triển bản thân, tức học được bao nhiêu, tích lũy được bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu kiến thức. Nếu người nào cho điều đó là số một thì mới là nhân viên quan trọng của công ty.
Tiếp đó là được đánh giá đúng năng lực và đúng đóng góp. "Nhiều người bảo anh trả em bao nhiêu cũng được nhưng nếu em giỏi anh lại bảo em không giỏi là không được, hoặc là em có đóng góp lớn nhưng cuối năm tổng kết một dự án anh lại bảo em không bằng người khác là không đúng", ông bày tỏ.
Do đó, lãnh đạo cần đánh giá đúng, tạo cơ hội cho nhân sự được phát triển bản thân. Sự phát triển bản thân này chính là thu nhập trong tương lai của nhân sự.
"Người nào đặt thu nhập lên số một thì không phải là lãnh đạo trong tương lai của công ty", ông trích nội dung từ một cuốn sách và cho biết doanh nghiệp hãy cứ dùng nhân sự nếu họ tài giỏi, nhưng ngược lại, những người đặt thu nhập lên số một sẽ khó có thể gắn bó lâu dài với tổ chức khi có nơi khác trả họ mức tốt hơn. Doanh nghiệp nên chọn người hài hòa giữa vấn đề phát triển bản thân và thu nhập cho những vị trí chủ chốt.
Về việc tư duy này liệu có bị cũ kỹ hay không khi mà thế hệ lao động trẻ, thế hệ Z hiện tại đã văn minh hơn và không quá đặt nặng thu nhập, ông Đỗ Cao Bảo nói điều này không phải câu chuyện thế hệ, mà đã được những người làm nhân sự đúc rút qua chặng đường nhiều chục năm.
"Tôi chưa tìm được công ty nào lấy vấn đề thu nhập làm quan trọng nhất trong quản trị nhân sự mà lại thành công lớn cả", ông chia sẻ.
Ông kể câu chuyện gặp người trẻ, có bạn nói ra một bảng chấm các tiêu chí gồm cơ hội thăng tiến, phát triển bản thân, thu nhập. Mỗi tiêu chí cho điểm và cộng lại, dưới bao nhiêu điểm thì là chưa hài lòng, dưới bao nhiêu thì sẽ đi luôn. "Đó là bạn trẻ, và tự bạn đó nghĩ ra chứ không phải là công thức của nhân sự, và với bạn ấy thì thu nhập chỉ là số 3", ông chia sẻ.
Trong bối cảnh mới khi mà nguồn nhân lực trẻ trong doanh nghiệp ngày một nhiều, ông cho rằng một doanh nghiệp muốn bền vững thì bên cạnh các thế hệ khác họ phải biết cách làm việc với gen Z, kéo các bạn trẻ ra khỏi vỏ kén.
"Mạng xã hội làm cho mọi người ít giao tiếp xã hội. Dù thế thì trong xã hội, mọi thứ như đồng hồ quả lắc, rồi sẽ quay về sự ổn định, chứ gen Z hay gen gì thì cũng sẽ quay về điểm đó", ông nêu góc nhìn.
Khát vọng làm giàu của các thế hệ người Việt rất mạnh mẽ
Nhân lực bền vững với doanh nghiệp, theo ông Đỗ Cao Bảo, là những người chia sẻ các giá trị cốt lõi với doanh nghiệp đó. Còn với đất nước, để phát triển nhân lực bền vững, chúng ta cần tìm ra những đặc thù, đặc tính văn hóa là thế mạnh của dân tộc và phát huy thật tốt những yếu tố này.
Ông nói, người Việt Nam có nhiều ưu điểm, nổi trội nhất là học thứ mới rất nhanh, có khát vọng làm giàu, không dễ hài lòng. Dù thế, chúng ta cũng có những điểm còn hạn chế như hay áp đặt suy nghĩ, thiếu sự kế thừa thành quả lao động, tính kỷ luật và những điều này cần được thay đổi.
Người Việt Nam có thế mạnh là học công nghệ mới rất nhanh, cái gì mới ra đời mà người Việt Nam nhảy vào ngay thì chẳng kém cạnh ai và thực tế chứng minh là đúng.
Khát vọng làm giàu của các thế hệ người Việt rất mạnh mẽ. Khát vọng này bao gồm việc chúng ta còn nghèo nên chúng ta còn khát vọng. Người Việt không dễ hài lòng và điều này là rất quý. Nhưng một điểm cần lưu ý là tính kỷ luật của người Việt không cao, nói cách khác là tính chuyên nghiệp, đúng giờ, thực hiện các cam kết.
Bên cạnh đó, một vấn đề cần bàn đến là người Việt hay áp đặt suy nghĩ. "Thường người ta lấy cái của mình làm chuẩn, cái gì không giống mình là không chấp nhận, thành kẻ thù trong khi lẽ ra cần thấy khác biệt là bình thường.
Tôi có thể không giống anh nhưng tôi tôn trọng quan điểm của anh. Ngoài ra là chúng ta không có tính kế thừa, khi không chấp nhận người khác thì kể cả người đó là tiền bối thì cũng sẽ làm khác, bác bỏ hết cái cũ. Điều này làm giảm năng suất, ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi cá nhân, tổ chức, đất nước", ông bình luận.
Về năng suất lao động của người Việt, ông Bảo cho rằng đúng bản chất thì là giá trị thành phẩm trên đơn vị thời gian nên cách tính hiện nay là chưa thực sự sát, do đó gây nhiều tranh cãi. Năng suất của người Việt Nam, nếu được tính đúng, tính đủ thì không hề thấp.
Ông nói, Việt Nam muốn năng suất lao động cao thì hãy tăng GDP. "Nói cách khác, muốn năng suất lao động cao thì đất nước giàu lên và thực tế chúng ta vẫn đang làm đất nước giàu lên bằng tăng trưởng GDP, chúng ta vẫn đang là nước tăng trưởng cao trên thế giới", ông bày tỏ.