DMagazine

Lan đột biến hay "lan đột quỵ" mà khiến kẻ bán nhà, người ôm nợ?

(Dân trí) - Không ít người ôm mộng đổi đời, làm giàu nhanh đã dốc tiền, cầm cố tài sản đầu tư vào lan đột biến nhưng cuối cùng, họ lại nhận về những cái kết đắng. Lan đột biến là từ khóa "nóng" ở nửa đầu năm.

Lan đột biến là danh từ chỉ tên loài hoa, cây cảnh.

Lan đột biến là cụm từ mà mỗi khi nhắc đến nhiều người nghĩ ngay tới những giao dịch "trên trời" có giá chục tỷ đồng, trăm tỷ đồng thậm chí lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Lan đột biến là nguyên nhân khiến nhiều người mất nhà, mất xe, thậm chí là phá sản khi bỏ tiền thật, rước lan rởm về chơi.

Lan đột biến hay lan đột quỵ mà khiến kẻ bán nhà, người ôm nợ? - 1

Thị trường lan đột biến trở nên sôi động sau dịch Covid-19 với những thương vụ, giao dịch khủng (Ảnh: Facebook).

Cuối tháng 6, đầu tháng 7, tại một vùng quê ở Thái Nguyên, người ta kéo thành từng đoàn, từng tốp đi xem lan đột biến, không khí tấp nập, đông vui như trẩy hội. Do bởi, ở trong làng, có một hộ gia đình đã bán mảnh đất trị giá 600 triệu đồng để đổi lấy vài cm lan đột biến - loại hoa được đồn thổi là có thể giúp người chơi sinh lời khủng, gấp 2 - 3 lần so với đầu tư thông thường.

Ông V.T., 45 tuổi ở Thái Nguyên, người từng hòa vào dòng người đi xem lan đột biến khi đó kể lại: "Lúc đó, cứ 7 - 8h tối, nhà có lan đột biến ở làng tôi lại là tấp nập đón khách đến tham quan. Tôi đến đó khoảng 2 lần, nhìn qua thì chỉ thấy cái kie lan be bé, cao tầm 7 - 8 cm chứ không thấy hoa. Tôi có hỏi chủ nhà, họ có giải thích là phải sang năm cây mới ra hoa. Còn nếu chăm sóc tốt, vài năm sau, nhà vườn có thể nhân giống, tách kie bán".

Cũng như bao người khác, mục đích ông T. đến vườn xem hoa là phụ, phần chính là nghe cách kiếm tiền hấp dẫn từ việc tách kie lan ra bán. Sau khi về nhà, ông đã bàn với vợ con rút hết số tiền tiết kiệm đổ vào lan nhưng gia đình không chấp thuận. Sau này, ông T. lại cảm thấy may mắn với lựa chọn đó, vì không ít người bạn của ông đã phải bán nhà, bán xe, thậm chí cắm sổ đỏ để vay tiền, trả nợ lan đột biến.

CƠN SỐT LAN ĐỘT BIẾN TỪ ĐÂU?

Cơn sốt lan đột biến bắt đầu vào những tháng cuối năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh chứng khoán, bất động sản, lan đột biến được không ít người coi là kênh đầu tư trong mùa dịch khi lãi suất ngân hàng có chiều hướng giảm.

Không thể phủ nhận mạng xã hội chính là nơi khiến lan đột biến trở nên nổi tiếng hơn và tạo thành cơn sốt trên khắp các diễn đàn, hội nhóm. Thậm chí, những cuộc giao dịch lan đột biến còn được tung hô, chia sẻ rầm rộ trên mạng, bên cạnh những ý kiến phản bác về chiêu trò làm giá, có mục đích phía sau.

Cụ thể, tháng 7/2020, giới chơi lan rầm rộ chia sẻ một chậu lan Juliet được giao dịch với giá... 83 tỷ đồng. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là chiêu trò thổi giá, đánh bóng tên tuổi của một số nhà vườn hay là giá trị thật của sản phẩm. 

Tiếp đó vài ngày, giới sinh vật cảnh cả nước lại được phen trầm trồ khi có thương vụ giao dịch lan đột biến lên tới... 1.400 tỷ đồng. Đây là con số khiến nhiều người bán tín bán nghi, khi chiêu trò thổi giá ngày càng khủng khiếp. Trước làn sóng phẫn nộ của dư luận, cả người bán và người mua đã phải lên tiếng đính chính và cho rằng đây là lỗi của nhà in khi in thừa số 0 trên tấm bạt căng trên sân khấu nên chậu lan chỉ có giá 1,4 tỷ đồng.

Đến tháng 9/2020, một người chơi lan đột biến ở Phú Thọ lên Facebook công bố bán cây mẹ lan Bướm Đại Ngàn với giá... 100 tỷ đồng. Đây là lần thứ hai, chủ nhân cây lan gây sốc trên mạng xã hội, trước đó, vào tháng 7/2020, người này đã bán 1 kie lan với giá 15 tỷ đồng.

Sang năm 2021, các cuộc giao dịch lan đột biến với giá "trên trời" vẫn tiếp tục được diễn ra. Đầu tháng 3, cộng đồng mạng lại có dịp xôn xao trước thương vụ chuyển giao lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng được diễn ra tại Quảng Ninh hay cuộc chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với giá 18.888.888.888 đồng tại Hà Nam.

Lan đột biến hay lan đột quỵ mà khiến kẻ bán nhà, người ôm nợ? - 2

Các thương vụ chuyển nhượng lan gây xôn xao (Ảnh: A.C).

Một thành viên của Hội sinh vật cảnh Hà Nội từng cho rằng, thời gian giãn cách xã hội chính là tiền đề để thị trường lan đột biến phát triển, một phần là do người chơi có thêm nhiều thời gian ở nhà chăm sóc cây và mang "siêu phẩm" khoe trên mạng. Nhờ đó mà vòng buôn bán lan đột biến được mở rộng và tăng độ tiếp cận đến đông đảo mọi người.

Mặt khác, sau dịch Covid-19, nhiều ngành nghề còn đình trệ nên việc chuyển dịch đầu tư sang một vài lĩnh vực khác là điều dễ hiểu. Không những thế, giới chơi lan đa phần đều là những người có điều kiện và làm kinh doanh. Thế nên câu chuyện rót vốn vào một ngành mới có tiềm năng là không có gì bất ngờ.

"Tuy nhiên, sự tham gia ồ ạt, nhiều người vào cùng một lúc sẽ khiến thị trường lan vỡ trận, hỗn loạn khi thông tin đôi bên bất cân xứng. Điển hình là việc hiểu sai về phương thức giao dịch. Bởi thông thường, việc mua bán lan đột biến sẽ mang nhiều giá trị tương lai là hơn hiện tại" - người này nói.

Lan đột biến hay lan đột quỵ mà khiến kẻ bán nhà, người ôm nợ? - 3

Chậu lan đột biến gây "bão" cộng đồng mạng khi được "hét giá" tới 83 tỷ đồng (Ảnh: Facebook)

VỠ NỢ, ĐỘT QUỴ VÌ ... LAN ĐỘT BIẾN

Đầu tháng 4, giới sinh vật cảnh miền Bắc được phen xôn xao khi anh N.V.S. (Vĩnh Phúc) lên mạng kêu cứu khi bị lừa 10 tỷ đồng mua lan đột biến giả.  Anh S. cho biết, thấy thị trường lan đột biến đang "sốt", anh đã đi vay nặng lãi gần 10 tỷ đồng để đầu tư "lướt sóng". 

Thông qua mạng xã hội, anh S. đã mua nhiều kie lan với giá vài chục triệu đồng cho đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng về không lâu, anh phát hiện toàn bộ số kie trên không phải lan đột biến. Sau đó, anh đã tìm cách liên hệ, khiếu nại đến nhà vườn nhưng các đối tượng bán lan đã cao chạy xa bay.

Cùng thời điểm đó, cộng đồng chơi lan đột biến cũng rộ lên thông tin chủ một vườn lan H.T ở xóm chợ Đinh Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) "ôm" 200 tỷ đồng của khách đặt hoa rồi bỏ trốn. Ngay sau đó, Công an huyện Ứng Hòa đã tiếp nhận đơn trình báo của 3 công dân phản ánh về vụ việc trên.

Theo trình báo, 3 cá nhân trên đã chuyển tiền cho chủ vườn lan H.T để mua bán lan đột biến. Tuy nhiên, đến ngày giao cây, các cá nhân này không liên lạc được với chủ vườn lan, khi đến nhà không biết chủ vườn lan đi đâu. Tổng số tiền theo đơn trình báo là khoảng 11 tỷ đồng. 

Lan đột biến hay lan đột quỵ mà khiến kẻ bán nhà, người ôm nợ? - 4

Những giao dịch lan đột biến trị giá hàng tỷ đồng được đăng tải trên mạng xã hội (Ảnh: VOV).

Cũng tháng 4, công an huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) cho biết, đã tiếp nhận trình báo về vụ việc có dấu hiệu lừa đảo khi mua lan đột biến xảy ra tại ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom.

Theo đó, vợ chồng anh V. (ngụ tại TPHCM) thông qua mạng xã hội đã quen biết với anh B.V.D. là chủ của vườn lan Bình Minh ở huyện Trảng Bom. Sau khi đến thăm vườn lan, vợ chồng anh V. đã mua 1 cây hoa lan giống 5 cánh trắng Bạch Tuyết có giá 466 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi mang lan về chăm sóc được ít ngày thì cây có dấu hiệu "ngắc ngoải" nên vợ chồng anh V. vội chụp lại ảnh, gọi điện báo cáo tình trạng cho anh D. Sau đó, anh V. được chủ vườn hẹn mang cây lan đến cửa hàng để bảo hành và chăm sóc. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, chủ vườn lan đã đóng cửa vườn, trả lại mặt bằng và lặn mất tăm.

Tháng 7, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Quách Văn Hải (SN 1992) và Trịnh Hải Nam (SN 2002) đều trú tại huyện Yên Thủy, Hòa Bình) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Quách Văn Hải và Trịnh Hải Nam được xác định là 2 đối tượng trong ổ nhóm lừa đảo, chuyên mua những loại hoa lan "cỏ" rồi giả làm lan đột biến để bán cho khách, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Các đối tượng trong ổ nhóm này đều sinh ra và lớn lên tại huyện Yên Thủy (Hòa Bình), địa phương có nhiều người trồng và buôn bán các loại cây hoa lan, trong đó có lan đột biến gen. Do vậy, các đối tượng đều có kiến thức và am hiểu về một số loại cây hoa lan.

Qua tìm hiểu trên mạng xã hội facebook, nhận thấy nhiều người sưu tầm, chơi và kinh doanh lan đột biến, các đối tượng đã bàn bạc, rủ nhau lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc mua bán hoa lan đột biến gen giả.

CẢNH BÁO RẦM RỘ, NGƯỜI CHƠI VẪN LÀM NGƠ

Trước hoạt động giao dịch lan đột biến ngày càng rầm rộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tháng 4, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã có Công văn số 227/HBI-TTGSNH đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn chấn chỉnh hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao, nhất là có liên quan đến yếu tố lan đột biến.

Thông tin cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang có hiện tượng giao dịch, kinh doanh hoa lan đột biến gen với giá trị rất lớn. Một số giao dịch lên đến hàng tỷ, chục tỷ đồng/kie. Qua phản ánh, nhiều hộ gia đình đã thế chấp đất đai, nhà, tài sản để vay tiền tổ chức tín dụng tham gia góp vốn cho một số người kinh doanh hoa lan, việc góp vốn kinh doanh hoa lan đột biến gen bất bình thường có thể sẽ mang lại nhiều rủi ro và kéo theo những hậu quả khó lường về an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân.

Lan đột biến hay lan đột quỵ mà khiến kẻ bán nhà, người ôm nợ? - 5

Người dân nhiều nơi ở Hòa Bình ồ ạt cầm cố tài sản để đầu tư mua giống lan đột biến, xây dựng những vườn lan với hy vọng đổi đời (Ảnh: Thái Bá).

Trước đó, tháng 3, công an tỉnh Tuyên Quang đã khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động mua bán hoa lan đột biến gen nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đến tháng 8, công an tỉnh Bình Phước đã có cảnh báo dấu hiệu lừa đảo liên quan đến các giao dịch mua, bán lan "đột biến gen". 

Theo Công an tỉnh Bình Phước, thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong nước xuất hiện các thương vụ mua, bán, trao đổi lan "đột biến gen" được công bố thông tin trên các diễn đàn người chơi lan với giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Bình Phước khuyến cáo người dân nếu thực sự có nhu cầu mua mặt hàng này cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, nơi bán trước khi mua, tránh thủ đoạn lợi dụng hoạt động kinh doanh lan "đột biến gen" nhằm mục đích trục lợi.

Lan đột biến hay lan đột quỵ mà khiến kẻ bán nhà, người ôm nợ? - 6

Công an Hòa Bình bắt 5 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mua bán giao dịch hoa phong lan (Ảnh: CAND).

LIỆU CÓ THU THUẾ ĐƯỢC GIAO DỊCH LAN ĐỘT BIẾN?

Trước những thương vụ mua bán lan đột biến tiền tỷ gây xôn xao dư luận, Tổng cục Thuế đã đưa ra hàng loạt quy định để thu thuế, quản lý hoạt động này.

Cụ thể, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc nắm bắt tình hình về các giao dịch mua bán lan đột biến trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để xác minh thực tế và xử lý quản lý thuế theo đúng quy định.

Về chính sách thuế đối với lan đột biến, trong đó có chính sách đánh thuế đối với các giao dịch lan đột biến chục tỷ, trăm tỷ đồng, Tổng cục Thuế đưa ra nhiều quy định của pháp luật và khẳng định: "Trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, tổ chức tự trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế VAT".

Tuy nhiên, trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác ở khâu kinh doanh thương mại thì phải kê khai, tính nộp theo mức thuế suất 5%.

Trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bán ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

Về Thuế thu nhập doanh nghiệp, Tổng cục Thuế khẳng định: Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ việc bán "lan đột biến" thì thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Trường hợp phát sinh giao dịch mua bán của hộ gia đình, cá nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh giao dịch mua bán lan đột biến thì thuộc diện điều chỉnh của thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân theo quy định về hoạt động kinh doanh với thuế suất lần lượt là 1% và 0,5%.

Đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt) chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác thì sản phẩm nông nghiệp trong trường hợp này không chịu thuế VAT.

Đồng thời, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định pháp luật Thuế và pháp luật có liên quan thực hiện công tác quản lý thuế đối với giao dịch mua bán lan đột biến tại địa bàn và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.

Trong quá trình thực hiện nếu có phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan chức năng có liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.

Lan đột biến hay lan đột quỵ mà khiến kẻ bán nhà, người ôm nợ? - 7

Một kie lan Bướm Đại Ngàn được nhà vườn báo giá 15 tỷ đồng (Ảnh: C.T).

CẦN TỈNH TÁO, THẬN TRỌNG KHI GIAO DỊCH LAN ĐỘT BIẾN 

Bày tỏ sự quan ngại, lo lắng về cơn sốt lan đột biến, ông Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam từng cho rằng: "Chẳng có ai bỏ tiền ra chơi mấy thứ đắt đỏ thế đâu nên không tỉnh táo, lao vào là chết". Đặc biệt, theo ông Vạn, những người chơi đến sau vừa thiếu kinh nghiệm, vừa thiếu hiểu biết mà nghe dụ dỗ, bỏ tiền tỷ vào đầu tư có thể nhận "trái đắng".

Có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sinh vật cảnh, ông Vạn nhận định, dù cây  lan có quý, có đột biến gen thế nào cũng không thể có giá lên tới vài trăm tỷ đồng.

"Tôi chưa bao gặp một cây lan nào có giá hàng chục tỷ đồng, chứ đừng nói đến hàng trăm tỷ đồng. Bởi con số ấy cực kỳ lớn, không phải ai cũng có. Như một chiếc ô tô xịn, đời mới hiện nay cũng chỉ có 2 - 3 tỷ đồng thì lấy đâu ra cây lan như vậy" - ông nói.

Do đó, các thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với giá 250 tỷ đồng hay giao dịch lan đột biến Bảo Duy có giá gần 19 tỷ đồng ở Hà Nam, theo ông, đều là ảo, không có thật. 

"Nhiều người hiện ôm mộng làm giàu, cứ nghĩ mua cây lan về nhân giống, bán ra, rồi có thể thu lời "khủng" mà đâu hiểu những rủi ro đang tiềm ẩn phía sau. Thứ nhất là trường hợp cây chết là sẽ mất tất cả. Thứ hai là có nhân được giống đi chăng nữa thì khi ấy thị trường đã bão hòa, đồng nghĩa với việc giá cả sẽ khác đi. Bởi có người thứ nhất mua cây về trồng, nhân giống thì sẽ có người thứ hai" - ông tâm sự.

Theo quan điểm của luật sư Quách Thành Lực, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, một hàng hóa được định giá quá cao, khó tin luôn khiến người quan sát nghi ngờ về giá trị thực, tính trung thực của nó. Tuy vậy, ngoài những hàng hóa Nhà nước ấn định, định giá thì những hàng hóa khác trên thị trường được các bên giao dịch tự do thỏa thuận.

Có nghĩa là nếu hai bên tham gia giao dịch với giá trị lớn đến đâu mà không liên quan đến các yếu tố lừa đảo, rửa tiền, đa cấp biến tướng… chỉ thuần nhất là giao dịch thật như vậy thì cũng không vi phạm quy định pháp luật.

Cơ quan chức năng có trách nhiệm vào cuộc xác minh những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch lan đột biến để xác định có hay không dấu hiệu tội phạm. Hoặc có thể cảnh báo người dân tránh hoạt động đầu cơ, mua giá trị ảo mất tiền thật.

Theo ông Lực, trong lịch sử thế giới, việc một sản phẩm được định giá bất thường luôn dẫn tới hệ quả vỡ bong bóng. Ví dụ như đầu cơ hoa Tulip ở Hà Lan, Dotcom cuối những năm 1990. "Chừng nào niềm tin, sự tự định giá của thị trường vẫn còn thì con người không quan tâm, tìm hiểu giá trị thật của sản phẩm. Mọi người coi sản phẩm đó là một hoạt động đầu tư, mua bán kiếm lời, không cần quan tâm đến yếu tố định giá sản phẩm", ông bình luận. 

Nếu có việc kinh doanh lan đột biến với giá trị hàng trăm tỷ, có việc chuyển dịch tiền tệ, phát sinh thu nhập thì bên bán, có thu nhập phải chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Còn khi người dân nếu trồng và bán lan đột biến sẽ không phải chịu thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân đối với sản phẩm của mình làm ra.