Đánh thuế giao dịch lan đột biến tiền tỷ: Nhà vườn hết thời thổi giá?

An Chi

(Dân trí) - Trước những thương vụ mua bán lan đột biến tiền tỷ gây xôn xao dư luận, Tổng cục Thuế đã đưa ra hàng loạt quy định để thu thuế, quản lý hoạt động này.

Tổng cục Thuế ra văn bản khẩn

Mới đây, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc nắm bắt tình hình về các giao dịch mua bán lan đột biến trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để xác minh thực tế và xử lý quản lý thuế theo đúng quy định.

Về chính sách thuế đối với lan đột biến, trong đó có chính sách đánh thuế đối với các giao dịch lan đột biến chục tỷ, trăm tỷ đồng, Tổng cục Thuế đưa ra nhiều quy định của pháp luật và khẳng định: "Trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, tổ chức tự trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế VAT".

Đánh thuế giao dịch lan đột biến tiền tỷ: Nhà vườn hết thời thổi giá? - 1

Thương vụ mua bán lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng gây xôn xao dư luận (Ảnh: Vietnamnet).

Tuy nhiên, trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác ở khâu kinh doanh thương mại thì phải kê khai, tính nộp theo mức thuế suất 5%.

Trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bán ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

Về Thuế thu nhập doanh nghiệp, Tổng cục Thuế khẳng định: Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ việc bán "lan đột biến" thì thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Trường hợp phát sinh giao dịch mua bán của hộ gia đình, cá nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh giao dịch mua bán lan đột biến thì thuộc diện điều chỉnh của thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân theo quy định về hoạt động kinh doanh với thuế suất lần lượt là 1% và 0,5%.

Đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt) chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác thì sản phẩm nông nghiệp trong trường hợp này không chịu thuế VAT.

Công an vào cuộc xác minh

Trước những ồn ào, gây xôn xao dư luận về thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng ở Quảng Ninh, thượng tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng công an thị xã Đông Triều khẳng định, việc thỏa thuận mua bán giống lan đột biến Ngọc Sơn Cước là có thật. Tuy nhiên, nội dung thỏa thuận này là chuyển nhượng giống lan này để nhân giống trong thời hạn một năm với số lượng 5.000 cây giống. 

"Qua xác minh, chúng tôi khẳng định chưa có hoạt động lừa đảo, vi phạm pháp luật trong thương vụ giao dịch hoa lan đột biến trị giá 250 tỷ đồng diễn ra ở Đông Triều (Quảng Ninh)" - ông  nói.

Ngoài ra, ông Sơn còn thông tin thêm, việc thanh toán được thực hiện sau một năm ông Giang (người bán) giao đủ số lượng 5.000 cây giống thì ông Nguyễn Tiến Hưng (người mua) sẽ thanh toán số tiền như đã thỏa thuận là 250 tỷ đồng. Nhưng tại thời điểm giao dịch, giữa 2 bên chưa chuyển tiền.

Chuyên gia lên tiếng cảnh báo

Bày tỏ sự quan ngại, lo lắng về "cơn sốt" lan đột biến trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, cho rằng: "Chẳng có ai bỏ tiền ra chơi mấy thứ đắt đỏ thế đâu nên không tỉnh táo, lao vào là chết".

Đặc biệt, theo ông Vạn, những người chơi đến sau vừa thiếu kinh nghiệm, vừa thiếu hiểu biết mà nghe dụ dỗ, bỏ tiền tỷ vào đầu tư có thể nhận "trái đắng".

Có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sinh vật cảnh, ông Vạn nhận định, dù cây  lan có quý, có đột biến gen thế nào cũng không thể có giá lên tới vài trăm tỷ đồng.

"Tôi chưa bao gặp một cây lan nào có giá hàng chục tỷ đồng, chứ đừng nói đến hàng trăm tỷ đồng. Bởi con số ấy cực kỳ lớn, không phải ai cũng có. Như một chiếc ô tô xịn, đời mới hiện nay cũng chỉ có 2 - 3 tỷ đồng thì lấy đâu ra cây lan như vậy" - ông nói.

Do đó, các thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với giá 250 tỷ đồng hay giao dịch lan đột biến Bảo Duy có giá gần 19 tỷ đồng ở Hà Nam vừa qua, theo ông, đều là ảo, không có thật. 

"Nhiều người hiện ôm mộng làm giàu, cứ nghĩ mua cây lan về nhân giống, bán ra, rồi có thể thu lời "khủng" mà đâu hiểu những rủi ro đang tiềm ẩn phía sau. Thứ nhất là trường hợp cây chết là sẽ mất tất cả. Thứ hai là có nhân được giống đi chăng nữa thì khi ấy thị trường đã bão hòa, đồng nghĩa với việc giá cả sẽ khác đi. Bởi có người thứ nhất mua cây về trồng, nhân giống thì sẽ có người thứ hai" - ông cho biết.

Đặc biệt, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam còn đưa ra đề xuất để thị trường lan đột biến trở về với quỹ đạo, giá trị thật là các quan, chức năng phải vào đồng loạt vào cuộc, thanh kiểm tra.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp nên có biện pháp truy xuất, xác định nguồn gốc lan. Còn các cơ quan công an cần làm rõ, xác minh các cuộc giao dịch, xem đối tượng mua bán những cây lan trăm tỷ đồng là ai, có yếu tố lừa đảo, rửa tiền, đa cấp trong đó hay không.