Lần đầu tiên công khai Báo cáo kiểm toán năm 2005
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) hôm qua (17/8) lần đầu tiên chính thức công khai báo cáo kiểm toán năm theo Luật KTNN. Tổng kiểm toán nhà nước Vương Đình Huệ cho biết từ nay trở đi, việc công khai báo cáo kiểm toán sẽ được thực hiện định kỳ hằng năm.
Nội dung được công bố công khai lần này là báo cáo kiểm toán năm 2005 đối với thu chi ngân sách nhà nước trong năm tài chính 2004, theo đó KTNN đã phát hiện, kiến nghị tăng thu, giảm chi, đưa vào quản lý qua ngân sách tổng cộng 4.408 tỉ đồng trước đó chưa được thể hiện trong quyết toán ngân sách năm 2004. Trong số này, phần tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước được KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý chiếm xấp xỉ 1/3.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ nhìn nhận những con số này chưa thể hiện được một cách toàn diện và đầy đủ nhất kết quả thu, chi và sử dụng ngân sách nhà nước.
Chi sai diễn ra phổ biến
Theo báo cáo của KTNN, chi ngân sách thường xuyên vượt 16,7% so với dự toán, trong đó phần chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể vượt tới 33,5%.
Bên cạnh đó, đáng chú ý là trong khi hầu hết các bộ, cơ quan trung ương không vượt dự toán thì hầu hết các địa phương được kiểm toán đều vượt, có những địa phương vượt dự toán rất cao, tới 114,9% (Vĩnh Phúc), 55% (Ninh Thuận), 51,7% (Khánh Hòa), 50% (Hải Dương)...
Tại nhiều đơn vị được kiểm toán, tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức được KTNN phát hiện là khá phổ biến thông qua việc tự đặt ra chế độ chi tiêu như tham quan, phúc lợi, chi hội nghị, công tác phí…
Tiêu biểu cho những sai phạm dạng này mà KTNN phát hiện là việc Trung tâm điều hành bay thuộc Cục Hàng không dân dụng chi sai chế độ 1,9 tỉ đồng cho 20 người không phải là cán bộ của đơn vị đi học nước ngoài.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy một số bộ lấy nguồn thu sự nghiệp để lại chi với số tiền ước chừng 108 tỉ đồng. Trong đó, Bộ Ngoại giao 38,2 tỉ đồng, một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng 31,6 tỉ đồng. Ông Huệ khẳng định những quĩ lập không đúng qui định đều phải nộp trả, đồng thời kiểm toán sẽ kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm.
“Quĩ ấn phẩm trắng của Bộ Ngoại giao (hình thành từ tiền chênh lệch giá in phôi visa và các ấn phẩm khác với lệ phí thu trực tiếp của dân) khoảng 1,4 triệu USD, kiểm toán đã yêu cầu Bộ Ngoại giao nộp trả ngân sách. Đến tháng 5/2006 bộ đã nộp lại được khoảng 800.000 USD” - ông Huệ cho biết.
Lộ rõ yếu kém của DNNN
Với đối tượng kiểm toán là các doanh nghiệp nhà nước, báo cáo kiểm toán 2005 cho thấy phần thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 95,5% so với dự toán, là năm thứ hai liên tiếp không đạt chỉ tiêu.
Trong số 19 tổng công ty được kiểm toán có tới bốn đơn vị lỗ 124 tỉ đồng trong năm 2004, dồn cả số tiền lỗ từ các năm trước lại thì con số lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.
Trong số những DN có số lỗ lũy kế nhiều có cả các DN lớn của Nhà nước như Tổng công ty Giấy (199 tỉ đồng), Tổng công ty Lương thực VN (183 tỉ đồng), Tổng công ty Dệt may (328 tỉ đồng)…
Tình trạng nợ đọng mà các DN đang phải gánh khiến tình hình tài chính của các DN rất đáng lo ngại: tính đến hết năm 2004, tổng số nợ phải thu của 16 DN thuộc diện kiểm toán đã là 21.408 tỉ đồng, chiếm 36,48% tổng tài sản và bằng 2,66 lần nguồn vốn kinh doanh, trong khi tổng số nợ phải trả là 47.005 tỉ đồng, chiếm 80,04%.
Theo Nhật Linh
Báo Tuổi trẻ