Làm rõ vụ nghi nhập lậu 68 tấn chất tạo nạc trong chăn nuôi
(Dân trí) - Trong 9 tháng đầu năm 2015 có tới 68 tấn chất Clenbuterol, chất tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi, được nhập khẩu vào Việt Nam. Đang có nghi vấn các công ty nhập khẩu chất cấm này để trục lợi trong chăn nuôi bất chấp mối nguy hại với sức khỏe cộng đồng.
Thông tin trên vừa được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát công bố tại Hội nghị Trực tuyến về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tổ chức chiều 19/10 tại Hà Nội.
Trong y tế, Clenbuterol là một chất được sử dụng nhiều trong khoa hô hấp với chỉ định dùng trong thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, co thắt phế quản... và còn được sử dụng trong sản khoa. Vì thế, Bộ Y tế cho phép nhập khẩu chất này để điều trị bệnh cho người.
Tuy nhiên, đây là một loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi vì chất này để lại tồn dư trên sản phẩm và về lâu dài sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng sử dụng nhiều thực phẩm có chất này sẽ gây ra tình trạng nhờn thuốc kháng sinh và ngành y tế sẽ khó khăn trong điều trị bệnh.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, con số 68 tấn Clenbuterol là quá nhiều vì thực tế số lượng chất này được dùng trong y tế là rất ít.
Bộ trưởng Phát đặt nghi vấn rằng có thể các doanh nghiệp nhập khẩu đã nhập lậu chất này và bán ra thị trường một cách bất chính, và nhiều người chăn nuôi đã mua về để sử dụng trộn vào thức ăn để vật nuôi siêu nạc, mau lớn.
Thông tin này càng làm dư luận lo ngại trước tình trạng chất cấm được sử dụng trong chăn nuôi ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây.
“Gần đây chúng ta thường đề cập tình trạng chất cấm trong chăn nuôi phổ biến ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, qua xét nghiệm gần đây cho thấy ngay ở Hà Nội và khu vực xung quanh Hà Nội cũng rất nhiều. Vì thế, tất cả các địa phương đều phải vào cuộc và tích cực lấy mẫu xét nghiệm,” Bộ trưởng Phát nói.
Trước nghi vấn của Bộ trưởng Phát về việc nhập lậu chất Clenbuterol, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng Bộ có những quy định về quản lý chất kháng sinh trong y tế rất chặt chẽ. “Hầu như kháng sinh dùng trong y tế rất đắt so với kháng sinh trong thú y. Do vậy, khó có khả năng người chăn nuôi sử dụng kháng sinh y tế mà thường sử dụng kháng sinh thú y để chăn nuôi.”
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phát khẳng định: Bộ đã yêu cầu Cục Thú y kiểm tra và báo cáo nhưng báo cáo không đạt yêu cầu, vì thế Bộ trưởng đã yêu cầu Cục Thú y kiểm tra lại. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo Bộ Y tế phối hợp cùng với ngành công thương, công an, và lãnh đạo 63 tỉnh thành để đẩy mạnh điều tra làm rõ sự việc trên. “Cần lãm rõ chất này nhập về bán cho ai, từ đó có biện pháp kiểm soát chặt đầu ra", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nguyên An