1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Báo động vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

(Dân trí) - Trong tháng 8, Thanh tra Bộ NN&PTNT tiến hành 1 cuộc thanh tra đột xuất, xác minh và xử lý việc sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi tại các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, và TPHCM. Kết quả cho thấy, tình trạng này có dấu hiệu gia tăng đáng báo động.

Phát biểu tại cuộc họp báo do Bộ NN&PTNT tổ chức cuối ngày 31/8 tại Hà Nội, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Bộ cho biết: Chi cục Thú y TPHCM đã lấy 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ thuộc 51 lô, và phát hiện 31 mẫu dương tính với hàm lượng cao từ 80 ppb – 1,300 ppb, so với mức quy định là 20 ppb, thuộc 7 lô heo gồm 4 lô của Đồng Nai, 2 lô của Tiền Giang và 1 lô của Long An.

Báo động vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi - 1
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Bộ NN&PTNT phát biểu tại cuộc họp báo (Ảnh: T.N)

Đoàn thanh tra Bộ đã đến làm việc với Sở NN&PTNT Đồng Nai và nhận thấy tình hình rất phức tạp. Chi cục Thú y tỉnh đã kiểm tra 44 trang trại trong gần 2.000 trang trại trên địa bàn và phát hiện 14 trang trại có heo dương tính với Salbutamol (chất tạo nạc) và Chi cục đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và có 2 huyện phải cưỡng chế thi hành do ý thức của người chăn nuôi không cao.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cũng cho biết: Sự vào cuộc của các tỉnh rất chậm, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, sở NN&PTNT và cơ quan công an chưa kịp thời. Khi Thanh tra Bộ lam việc với cảnh sát PC46 thì hồ sơ chưa được chuyển sang mặc dù thông tin về các chủ trang trại có heo dùng chất cấm đã được thông báo rộng rãi trên các phương tiện báo đài. Việc truy xuất nguồn gốc chậm mặc dù Chi cục Thú y TPHCM đã gửi thông báo cho Chi cục Thú y và Sở NN&PTNT Đồng Nai. Hiện hai lực lượng công an PC46, PC49 đang phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai để tìm nguồn cung cấp Salbutamol.

Làm việc với 2 Công ty Enco và Công ty CP, Thanh tra Bộ cũng phát hiện Công ty CP có 2 trang trại có chất cấm, mặc dù họ đã ký hợp đồng không sử dụng chất cấm trong quá trình nuôi heo nhưng khâu giám sát còn kém. Sau khi bị phát hiện, Công ty đã ra văn bản yêu cầu kiểm tra nước tiểu tất cả các lô heo để phát hiện chất cấm.

Với công ty Enco, gần đây thương lái có hành vi mua lại các heo xuất chuồng sau đó về vỗ béo trong thời gian từ 5 – 30 ngày bằng việc sử dụng chất cấm. Công ty này có tổng đàn lên tới 95.000 con nuôi tại các trang trại và mỗi tháng xuất khẩu 14.000 con heo nên việc kiểm soát này rất cần thiết.

Thanh tra Bộ yêu cầu 2 công ty này lấy 1 mẫu nước tiểu và 1 mẫu thức ăn để kiểm tra chất cấm. Ngoài ra, các công ty phải giám sát heo khi đi xuất chuồng và quan tâm đến khâu kiểm dịch.

Hiện dư luận nhân dân Đồng Nai đang rất phẫn nộ khi thương lái tạo sức ép để người chăn nuôi dùng chất cấm để vỗ béo cho heo và thu mua với giá cao hơn. Do vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của chất cấm với sức khỏe con người và đẩy mạnh tố cáo để xử lý vi phạm.

Việc xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở Long An và Tiền Giang cũng tương tự như ở Đồng Nai, các cơ quan liên quan vào cuộc rất chậm. Cơ quan thanh tra nhận được thông tin vi phạm thông qua báo đài chứ không phải phản ánh từ địa phương.

Báo động vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi - 2
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây tại các tỉnh phía Nam (Ảnh minh họa; Nguồn: Internet)

“Mặc dù Thanh tra Bộ tiến hành kiểm tra và các cơ quan báo đài đưa tin nhưng thực tế chưa dừng và chấm dứt các hành vi vi phạm,” ông Dũng nói.

Thanh tra liên ngành phối hợp với thanh tra tỉnh Tiền Giang vừa kiểm tra 38 mẫu nước tiểu thì 25 mẫu dương tính với Salbutamol. Kiểm tra 16 mẫu nước tiểu và 4 mẫu thức ăn bổ sung ở Bến Tre thì phát hiện 4 mẫu dương tính, ở Tây Ninh phát hiện 2 mẫu dương tính với Salbutamol.

Qua thanh tra đột xuất tại Công ty Khoa Nguyên – Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn cũng đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền 442 triệu đồng do sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất sản phẩm thuốc thú y không có trong danh mục, đồng thời tạm đình chỉ sản xuất thức ăn bổ sung 1 tháng và đình chỉ hoàn toàn việc sản xuất thuốc thú y tại cơ sở này.

Ngoài ra, tại Chi cục Thú y Vĩnh Long vừa qua cũng phát hiện 1 sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chất cấm Salbutamol với hàm lượng rất cao, tới 3.160 ppb, so với mức cho phép là 50 ppp. Sản phảm này do Công ty Cường Phát đặt hàng Công ty Bắc Âu Mỹ ở Long Thành, Đồng Nai.

Thanh tra Bộ cũng phát hiện 10 mặt hàng thức ăn bổ sung không có trong danh mục do Công ty Thuốc Thú y Cường Phát sản xuất và đề nghị xử phạt 340 triệu đồng.

Hiện thanh tra Bộ đang phối hợp với các cơ quan công an để truy xuất nguồn gốc thức ăn có chất cấm do Công ty Bắc Âu Mỹ sản xuất.

“Việc sử dụng chất cấm trong chă nuôi và trong sản xuất thức ăn chăn nuôi là đáng báo động…Cần ngăn chặn, xử lý nghiêm và hình sự hóa các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi,” ông Dũng nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

 

Báo động vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm