Lạm phát tháng 5 nhích nhẹ

(Dân trí) - CPI cả nước tháng 5 ở mức 0,18% với sự gia tăng giá cả đồng đều ở hầu hết các mặt hàng. Trong đó, chi phí xăng dầu cao đã khiến giá cả nhóm giao thông tăng đột biến, lương tối thiểu cũng "hích" mạnh đến các chi phí đời sống người dân.

Lạm phát tháng 5 nhích nhẹ
Thực phẩm vẫn tiếp đà giảm giá do nguồn cung dồi dào cũng như những lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay (24/5), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 cả nước đã tăng 0,18% so tháng trước và tăng 2,78% so tháng 12/2011.

Tính 5 tháng đầu năm, CPI cả nước tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2011.

Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn duy trì đà giảm giá với mức giảm 0,14%. Với nguồn cung dồi dào và một số địa phương đang thực hiện chương trình bình ổn giá nên giá lương thực giảm 0,54% so tháng trước.

Cùng với đó, giá thực phẩm cũng giảm 0,26% với những lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là “nghi án” chất tạo nạc ở mặt hàng thịt lợn – vốn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu bữa ăn thường nhật của người dân. Ăn uống ngoài gia đình vẫn tăng giá 0,66%.

Tháng này, những tác động của đợt tăng giá xăng dầu ngày 20/4 cũng như ảnh hưởng của điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 1/5 đã thể hiện rõ rệt qua mức tăng đồng loạt ở hầu hết tất cả các nhóm hàng.

Trừ tình hình giảm giá ở nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng 0,97% do thị trường bất động sản chưa thoát được những khó khăn, dự án triển khai vẫn còn chậm và bế tắc nguồn vốn dù có nhiều tín hiệu hỗ trợ về chính sách, ngoài ra, các mặt hàng, nhóm hàng trong rổ tính giá đều nhích lên.

Tác động của giá xăng dầu được điều chỉnh tăng hồi tháng 4 thể hiện rất rõ qua chỉ số giá giao thông. Giá cả ở nhóm này tăng mạnh 1,32% so tháng trước.

Trước đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết với đợt tăng giá hồi tháng 4, nếu được giữ đến hết năm, sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng 0,364%. Trong đó, tác động ở vòng một (trực tiếp) là 0,104%, vòng 2 (gián tiếp lên các lĩnh vực sử dụng xăng dầu) là 0,26%.

Đến hôm qua (23/4), để kiềm lạm phát, đề phòng tình hình tăng giá quay trở lại, Bộ Tài chính đã quyết định giảm giá xăng dầu trong nước thêm từ 300 đồng - 600 đồng/lít.

Việc giảm giá, mặc dù không lớn như kỳ vọng song lần giảm này sẽ có tác động tích cực đến tâm lý người dân, kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế đang trì trệ.

Hôm qua, trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ có đánh giá, từ đầu năm đến nay CPI tăng chưa đến 3% song so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ lạm phát vẫn còn cao, hết tháng 4 vẫn là hơn 10%, hết tháng 5 còn khoảng 7-8%.

“Mặt bằng giá như vậy vẫn còn khá cao, vẫn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Vậy nên sắp tới, có cơ hội tiếp tục giảm giá xăng dầu, chúng tôi sẽ giảm ngay để chia sẻ, hỗ trợ thêm việc kìm lạm phát”- Bộ trưởng cho hay.

Ở những mặt hàng khác, nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,58%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,57%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,33%. Nhóm bưu chính viễn thông mọi khi đều giảm, tháng này giữ nguyên mức giá so tháng trước.

Ngoài ra, với việc tăng lương hồi đầu tháng cũng đã góp phần đẩy chỉ số giá lên cao, thể hiện qua chỉ số giám nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng mạnh, tới 3,09%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,63% và dự kiến sẽ còn tăng vào dịp nghỉ hè tới.

Không nằm trong rổ tính giá chung, tháng này, chỉ số giá vàng giảm mạnh, tới 2,17% trong khi đó chỉ số USD tăng nhẹ 0,06%.

Mục tiêu CPI cả năm nay dự kiến sẽ thực hiện được và hầu hết các tổ chức đánh giá đều khá lạc quan, song không ít cảnh báo đưa ra, cho rằng Chính phủ cần thận trọng hơn trong chính sách, đề phòng lạm phát quay trở lại trong một hai năm tới, làm thế nào để kích thích tăng trưởng trở lại song vẫn đảm bảo được CPI ở mức vừa phải.

Bích Diệp