Lạm phát tháng 4 lập kỷ lục thấp nhất 21 tháng

(Dân trí) - Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 chỉ tăng 0,05% so tháng trước, ghi nhận đà giảm tháng thứ 9 liên tiếp kể từ tháng 8/2011 và đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 21 tháng qua.

Lạm phát tháng 4 lập kỷ lục thấp nhất 21 tháng
CPI giảm tốc quá nhanh và quá sâu sẽ đáng lo ngại hơn đáng mừng vì sẽ kéo theo suy giảm kinh tế (ảnh: Bloomberg).

Sáng nay (23/4), Tổng cục Thống kê (TCTK) chính thức công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 năm 2012.

Theo đó, CPI tháng này tăng 0,05% so tháng trước và tăng 2,6% so tháng 12/2011. Lũy kế 4 tháng, CPI tăng 14,57% so cùng kỳ năm 2011 và là mức thấp nhất trong suốt 21 tháng qua.

Con số này trùng với số liệu mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ  đưa ra trong Hội nghị Thách thức kinh tế tài chính toàn cầu năm 2012 được tổ chức sáng nay và thấp hơn 0,01% so con số được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra trong kỳ họp thứ 7 của Thường vụ Quốc hội đợt vừa rồi.

Cũng tại dịp này, Bộ trưởng Vinh cho biết, nếu CPI giảm bình thường thì đó là điều tốt nhưng nếu giảm một cách đột ngột trong bối cảnh GDP tăng trưởng chậm, sản xuất bị đình đốn, cầu tiêu dùng yếu thì lại là đáng ngại và là biểu hiện của suy giảm kinh tế.

Cụ thể, trong tháng này, giá cả nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục giảm 0,8% so tháng trước trong đó lương thực giảm 1,69%, thực phẩm giảm 0,87%. Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ 0,44%.

Trong các nhóm mặt hàng giảm giá còn có nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,44%, bưu chính viễn thông giảm 0,01%, giá vàng giảm 3,62% và giá USD giảm 0,07%.

Trong khi đó, nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng cao phải kể đến nhóm giao thông với mức tăng lên tới 2,67%. Đây phần nào là hệ quả của chính sách cho phép tăng giá xăng dầu hồi đầu tháng 3 và dự kiến sẽ tiếp tục còn bị tác động do việc tăng giá xăng dầu thực hiện hồi cuối tuần trước.

Theo đánh giá của TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, tại thời điểm đình trệ của tổng cầu như hiện nay, mức tăng gần 1.000 đồng/lít xăng cộng với hạ lãi suất và chính sách tăng lương của Chính phủ vào tháng 5 vẫn chưa phải là một mối lo ngại theo nghĩa gây ra đột biến về lạm phát cả năm.

Nếu tăng 10% giá xăng và 5% giá điện thì lạm phát có thể tăng từ 2,3 đến 2,5 điểm phần trăm nếu tổng cầu đối với các mặt hàng khác không đổi. Tuy nhiên, do tổng cầu có thể giảm nên sự lan tỏa sang lạm phát chung không cao đến mức đó, theo TS Thành.

Mặc dù cho rằng trong năm nay mục tiêu lạm phát dưới 10% là hoàn toàn có thể thực hiện được song nhiều ý kiến chuyên gia cảnh báo, trong điều kiện giá thế giới biến đổi cùng với những tác động của tăng giá điện, xăng dầu và lương cơ bản, các bước đi chính sách vẫn cần cẩn trọng.

Lạm phát giảm trong thời gian vừa qua đã hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán cũng như làm giảm được kỳ vọng lạm phát trong tương lai. Đồng thời, điều này cũng là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước vừa qua, chỉ trong vòng 1 tháng quyết định hạ trần lãi suất huy động xuống còn 12%/năm.

Nếu mức tăng CPI được duy trì đến cuối năm, thì theo như hứa hẹn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, mỗi một quý, cơ quan điều hành tiền tệ quốc gia sẽ đưa lãi suất chính sách xuống 1% như dự kiến, đến cuối năm lãi suất huy động khoảng 10-11% và từ đó tạo điều kiện để đưa lãi suất cho vay xuống tương ứng.

Bích Diệp