Lạm phát cao chủ yếu do tăng tiền

Trả lời phỏng vấn báo chí, TS Lê Xuân Nghĩa (Vụ trưởng Vụ Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước - NHNN) khẳng định nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao trong 7 tháng đầu năm chủ yếu do tăng tiền trong lưu thông.

Ông Nghĩa cho biết: Các nước đều lấy chỉ số CPI để đo lạm phát và thường tính cho cùng kỳ, chứ không tính so với đầu năm. Mục tiêu ổn định giá bao giờ cũng là mục tiêu trung hạn.

Trên thế giới cũng ít có quốc gia nào đưa ra mục tiêu của chính sách kinh tế là "lạm phát chỉ cần thấp hơn mức độ tăng trưởng kinh tế là được", trong khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng là khá cao.

Điều này hàm ý rằng chúng ta đeo đuổi một chính sách tiền tệ (CSTT) nới lỏng. Chính sách này có thể có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Nhưng trong trung hạn và dài hạn chính nó lại là yếu tố làm giảm tăng trưởng kinh tế do lạm phát cao thì lãi suất tăng lên, đầu tư giảm đi, hiệu quả của đầu tư cũng giảm.

Theo ông, đâu là nguyên nhân chủ yếu đưa lạm phát đến mức cao?

Lạm phát dù ở đâu và bất cứ lúc nào cũng là vấn đề tiền tệ. Nói cách khác, lạm phát ở VN năm 2007 cũng vẫn thế thôi. Một số ý kiến cho rằng do giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu, giá thực phẩm tăng dẫn đến lạm phát (kiểu chi phí đẩy).

Tuy nhiên chi phí có "đẩy" khiến cho toàn bộ mặt bằng giá cả tăng lên (lạm phát) cũng phải nhờ tổng cầu tăng (tiền tăng) hoặc tổng cung giảm (GDP giảm).

Tôi cho rằng ở VN lạm phát chủ yếu vẫn là do tăng tổng cầu (tăng tiền); điều này có nguyên nhân chủ yếu là do lượng vốn từ bên ngoài vào nhiều buộc NHNN phải mua vào dự trữ để ổn định tương đối tỉ giá hối đoái có lợi cho xuất khẩu và đầu tư.

Ông bình luận thế nào về các biện pháp khác như kiểm soát giá cả hoặc giảm thuế nhập khẩu?

Ở nước ta, kiểm soát giá cả với kỳ vọng sẽ đạt được hai mục đích: Chống độc quyền và chống lạm phát.

Về lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tế của thế giới đã cho thấy không thể chống độc quyền bằng kiểm soát giá vì bản chất của độc quyền là lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường để tăng giá, trên cơ sở kiểm soát cung hàng hoá.

Vì vậy, không thể vừa duy trì độc quyền vừa kiểm soát giá cả mà về cơ bản phải xoá độc quyền, tăng cạnh tranh để ổn định giá. Còn việc kiểm soát giá để chống lạm phát chỉ có tác dụng nhất thời, bởi vì giá cả tăng kiểu lạm phát (tăng toàn tuyến) được quyết định bởi mức tăng tổng cầu cao hơn tổng cung.

Chừng nào tổng cầu vẫn còn cao hơn nhiều so với tổng cung thì giá cả vẫn sẽ tiếp tục tăng, bất chấp kiểm soát giá kiểu gì, đó là quy luật của kinh tế thị trường.

Về biện pháp giảm thuế để giảm giá cũng có ý nghĩa tương tự, nhưng tác động tiêu cực của nó còn lớn hơn, ngoài việc tăng thâm hụt ngân sách, nó còn là vòng xoáy làm tăng thâm hụt thương mại và thâm hụt cán cân vãng lai.

Đến lượt nó thâm hụt cán cân vãng lai tạo sức ép tăng tỉ giá hối đoái thực. Nếu tỉ giá hối đoái danh nghĩa không được điều chỉnh thì xuất khẩu sẽ giảm trong trung hạn. Chưa kể có một số danh mục giảm thuế có thể tác động đến sản xuất mặt hàng đó trong nước.

Vậy theo ông, sắp tới Nhà nước nên làm gì?

Dòng vốn nước ngoài vào nhiều gây áp lực lạm phát là chuyện bình thường của một nền kinh tế mới nổi. Trong tương lai dòng vốn đổ vào ngày càng tăng, quy mô thị trường tài chính ngày càng lớn.

Chính sách "trung hoà" tiền tệ (hút bớt tiền cung ứng cho mua dự trữ ngoại tệ) là chính sách thường xuyên. Vì vậy, NHNN và Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ hơn để xử lý, trong đó ưu tiên trước hết là việc phát hành trái phiếu chính phủ và gắn với nó là đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án đầu tư.

Việc phát hành tín phiếu NHNN không nên quá lạm dụng, bởi vì nếu NHNN phải trả lãi cho một khối lượng tín phiếu do mình phát hành quá lớn dẫn đến dòng tiền của NHNN bị âm (thu ít-chi nhiều) thì còn tồi tệ hơn.

NHNN sẽ mất uy tín và khả năng ứng phó với những cú sốc tài chính bị hạn chế. Trong trường hợp buộc phải phát hành hoặc sử dụng ngoại tệ để ứng phó thì lạm phát sẽ bùng nổ. Trên thế giới chỉ có một số rất ít NHTƯ phát hành tín phiếu của mình một cách thường xuyên và số lượng lớn.

Xin cám ơn ông!

Theo Trịnh Ngọc Lan
Báo Lao động