1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Làm giàu mà dễ như những lời dụ dỗ có đến lượt mình không?"

(Dân trí) - Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói, làm giàu không phải không làm được nhưng rất khó, do vậy, trước tình trạng người dân cả tin bị dụ dỗ bởi những lời đường mật của các công ty đa cấp, Bộ trưởng đề nghị truyền thông vào cuộc cảnh tỉnh.

Trao đổi với PV Dân trí về những vấn đề bất cập ở lĩnh vực kinh doanh đa cấp nổi lên thời gian gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, bất cứ ai làm trái pháp luật, có hành vi lợi dụng, gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của người khác thì sẽ phải bị nghiêm trị trước pháp luật. 

Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh, "thái độ của Chính phủ là làm rất nghiêm vấn đề này, không bao che bất cứ đối tượng nào và yêu cầu các cơ quan làm nghiêm".  

Trước đông đảo phóng viên báo chí tham gia phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng nhắn gửi, "Các cơ quan truyền thông cần phải tuyên truyền để người dân hiểu, không thể có một món kinh doanh nào mà đem lại lợi nhuận dễ dàng như những lời quảng cáo. Nếu mà làm giàu dễ như vậy thì làm gì đến lượt mình !"

Làm giàu mà dễ như những lời dụ dỗ có đến lượt mình không?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Trong thời gian chưa ra Nghị định, nếu phát hiện bất cứ ai có hành vi lừa đảo, gây thiệt hại lợi ích chính đáng của người khác, pháp luật sẽ nghiêm trị.

Theo đánh giá của Bộ trưởng, trước những lời quảng cáo đường mật, chính sự cả tin đã khiến nhiều người dân bị dụ dỗ, nghĩ rằng mình có thể kiếm tiền, giàu lên bằng cách đó.

"Làm giàu không phải không làm được nhưng rất khó. Nếu làm giàu dễ như những lời dụ dỗ đó, thì liệu có đến lượt mình không? Chúng ta phải tuyên truyền để nhân dân hiểu", Bộ trưởng nói. 

Theo đó, theo lời khuyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhân dân cần phải cảnh giác với phương thức kinh doanh này, còn về phần mình, Nhà nước sẽ ban hành khung pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể.

Hiện tại, ngay cả khi Nghị định về kinh doanh đa cấp chưa được ban hành thì "Nếu như phát hiện ra hiện tượng lừa đảo, vi phạm pháp luật hiện hành và gây ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân thì pháp luật sẽ nghiêm trị" - Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng nhắc lại, cách đây không lâu, đã có những tổ chức kinh doanh đa cấp rất lớn bị xử lý, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp này phải vào tù.

Năm 2012, Dân trí đã vào cuộc lật tẩy "tập đoàn lừa đảo" Muaban24. Các đầu sỏ cầm đầu của đường dây này đã bị đưa ra ánh sáng và bị truy tố trước pháp luật về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đọat tài sản”

Tuy nhiên, do chưa có khung pháp luật quy định chặt chẽ, nên hình thức kinh doanh đa cấp với nhiều biến tướng vẫn tồn tại lộ liễu và hoành hành trên nhiều địa phương cả nước, không chỉ "móc túi" người dân mà còn gây rối trật tự công cộng.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, do trong cơ chế hiện nay, doanh nghiệp được phép làm những gì pháp luật không cấm nên để cấm một hình thức kinh doanh nào đó cũng cần phải trên cơ sở quy phạm pháp luật và hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước đang làm công việc này.

Theo dự thảo Nghị định về quản lý hình thức kinh doanh đa cấp đang lấy ý kiến và chờ phê duyệt thì mô hình kinh doanh kim tự tháp sẽ bị cấm – đây là mô hình kinh doanh trong đó thu nhập của người tham gia chủ yếu xuất phát từ việc tuyển dụng người tham gia, phân chia các khoản phí hoặc tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia.

Ngoài ra, doanh nghiệp bán hàng đa cấp còn phải đáp ứng điều kiện vốn pháp định trên 10 tỉ đồng (hiện không bắt buộc) và ký quỹ 5 tỉ đồng (hiện là 1 tỉ đồng).

Về câu hỏi của PV Dân trí liên quan đến vai trò của cơ quan công an, lực lượng an ninh trong bảo vệ lợi ích của người dân trước những hệ lụy mà phương thức bán hàng đa cấp gây ra trong xã hội tại thời điểm này, khi Nghị định chưa ban hành, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, sẽ chuyển lời về vấn đề này đến Bộ Công an.

Bích Diệp