1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khó quản kinh doanh đa cấp

Sau một thời gian dài tranh cãi, cuối cùng hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam vẫn được phép hoạt động và để hạn chế tối đa, thậm chí là triệt tiêu những mặt trái của hoạt động này, Bộ Công Thương vừa ra dự thảo nghị định quản lý hoạt động này.

Thế nhưng, dự thảo lại làm dấy lên nhiều tranh cãi mới, vấn đề quản lý lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm này vẫn rối như canh hẹ.
 
Siết chặt đấy

 

Siết chặt đấy

 

Một loạt vụ các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp (KDĐC) đã đổ bể cho thấy hoạt động này tại nước ta có quá nhiều tiêu cực. Những vụ việc đình đám như tại M24, Tâm Mặt Trời… gần đây cho thấy hoạt động này đã bị biến tướng. Rất nhiều công ty được lập ra không phải để bán sản phẩm mà thực chất là huy động người tham gia để chiếm dụng vốn. Chỉ cần một mắt xích ở thượng tầng chuỗi đa cấp biến mất, lập tức hàng trăm, hàng ngàn người bị mất tiền. Ở nước ta hoạt động này là lĩnh vực mới mẻ nhưng nở rộ nhanh chóng.

 

Nếu như năm 2004 mới chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp thì bây giờ con số này đã lên đến 78 doanh nghiệp được cấp chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, những năm gần đây, phát sinh một số hiện tượng mới trong các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, khiến việc quản kinh doanh này trở nên khó khăn. Trong đó, hoạt động KDĐC hiện nay chủ yếu chỉ thực hiện ở mặt nổi. Tức là thay vì tiếp thị hàng hóa để hưởng hoa hồng, các thành viên chỉ chú trọng phát triển người mới để ăn hoa hồng thông qua việc người mới phải mua hàng hóa theo quy định của hầu hết các công ty.

 

Vì vậy, hầu hết người tham gia đều tìm cách lôi kéo người khác vào cuộc, thậm chí là lừa nhau để kiếm tiền. Đây chính là biến tướng “hình tháp ảo” mà hầu hết các nước khi mới xuất hiện KDĐC đều gặp phải khiến nhiều lúc các chính sách quản lý luôn ở trong trạng thái... đuổi bắt, không thể khống chế kịp các biến tướng này.

 

Đến nay chỉ có Nghị định 110/2005/NĐ-CP và Thông tư 19/2005/TT-BTM quy định đầy đủ nhất về quản lý hoạt động KDĐC. Cả hai văn bản trên đều đã được thực thi gần 8 năm, bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của ngành bán hàng đa cấp.

 

Vì vậy dự thảo mới đây của Bộ Công Thương được hy vọng sẽ tăng cường hơn sự quản lý Nhà nước đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp; hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp pháp triển.

 

Những điểm được đưa ra trong dự thảo lần này được xem là tiến bộ hơn so với các văn bản luật cũ. Trong đó đáng kể nhất là dự thảo đã quy định một cách sát sườn, cụ thể để bảo vệ người tham gia kinh doanh thông qua việc cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; không được yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; kinh doanh theo mô hình kim tự tháp. Còn người tham gia cũng không được cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp. Với những quy định này, tình trạng lừa đảo, lôi kéo người tham gia để trục lợi trong KDĐC sẽ không còn đất sống.

 

…Nhưng máy móc

 

Tuy nhiên, quy định này cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, việc cấm kinh doanh theo mô hình kim tự tháp được cho là một sai lầm. Vì bản chất của việc KDĐC là dựa trên mô hình này và từ trước đến nay nó luôn là mô hình tối ưu để phát triển thành viên. Mô hình kim tự tháp được xây dựng theo phương thức KDĐC, trong đó thu nhập của người tham gia chủ yếu xuất phát từ một trong những hoạt động tuyển dụng người tham gia mới, gia hạn hợp đồng của người đã tham gia, phân chia các khoản phí hoặc tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, luật nên bỏ yếu tố cuối cùng, tức là cấm thu tiền cọc hoặc buộc người tham gia mua hàng hóa để tránh việc lôi kéo, lừa đảo. Còn hoạt động theo mô hình như thế nào thì phải để doanh nghiệp tự quyết.

 

Ngoài ra, còn một số quy định khác tại dự thảo cũng được xem là quá cứng nhắc. Ví dụ như thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp sẽ được giao cho Bộ Công Thương thay vì các sở như quy định trước đây. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc xin phép hoạt động vì phải mất nhiều thời gian, tiền bạc. Nếu không cẩn thận, rất có thể phát sinh nhiều mạng lưới KDĐC “sống chui” ngoài luật. Dự thảo cũng bổ sung quy định về thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, theo đó, giấy chứng nhận cấp lần đầu có thời hạn 5 năm, sau đó doanh nghiệp được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 5 năm. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được phép tạm ngừng hoạt động không quá 12 tháng. Người tham gia bán hàng đa cấp cũng không phải trả phí cho các hoạt động đào tạo, ngoại trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo. Điểm quan trọng nhất trong dự thảo là quy định yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định là 10 tỉ đồng, tiền ký quỹ cũng được nâng lên mức 5 tỉ đồng so với mức tối đa 1 tỉ đồng theo quy định trước đây. Đây chính là trọng tâm gây ra tranh cãi trong thời gian qua.

 

Đa phần các doanh nghiệp KDĐC không đồng tính với quy định này và đều đề nghị Bộ Công Thương nên cho phép thay vì ký quỹ bằng tiền mặt tại ngân hàng có thể dùng tài sản đảm bảo để thế chấp hoặc dùng chứng thư bảo lãnh để không bị “chôn vốn”.

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiếu, đại diện Sở Công Thương TP HCM cho rằng, quy định này không giải quyết được bài toán thị trường. Bởi, việc ký quỹ này với doanh nghiệp nước ngoài là chuyện nhỏ nhưng lại gây khó đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, vốn đang trong tình trạng kinh tế khó khăn. Theo đó, chỉ nên áp dụng theo mức độ quy mô của doanh nghiệp. Quy mô càng lớn thì ký quỹ càng nhiều và ký theo % doanh thu. Ví dụ ký quỹ 5% doanh thu thì doanh nghiệp có doanh số 100 tỉ sẽ ký 5 tỉ, doanh thu 10 tỉ ký quỹ ở mức tối thiểu là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng nên có trần tối đa là 20 tỉ để tránh việc bị chôn vốn. Mặt khác, nếu áp dụng vốn pháp định 10 tỉ đồng thì toàn bộ doanh nghiệp đang có giấy phép phải sang Sở Kế hoạch và Đầu tư thay đổi giấy đăng ký kinh doanh, bổ sung vốn pháp định.

 

Ở một khía cạnh khác, luật sư Võ Đan Mạch, đại diện của Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho hay, bán hàng đa cấp không phải là ngành nghề kinh doanh có mã ngành, không phải có vốn pháp định.

 

Luật Doanh nghiệp quy định chỉ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định. Trong khi đó, bán hàng đa cấp không phải là ngành nghề, chỉ là phương thức kinh doanh, không có mã ngành. Vì vậy, nếu doanh nghiệp mang hồ sơ đăng ký kinh doanh sang Sở Kế hoạch và Đầu tư xin được bổ sung mục này vào thì chắc chắn không được chấp nhận.

 

Như vậy, quy định trong dự thảo mới là mâu thuẫn và không phù hợp. Trong bối cảnh bức thiết phải quản lý hoạt động KDĐC một cách quy cũ hơn, dự thảo mới của Bộ Công Thương đã mang lại những tín hiệu lạc quan hơn nhưng cũng bộc lộ quá nhiều thiếu sót và bất cập. Việc tìm một khung luật quản lý hiệu quả hoạt động này vẫn là bài toán hóc búa.

 

Theo Thùy Trang

Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm