1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lâm Đồng bác đề xuất của Sở Công Thương liên quan thủy điện Trung Nam

Đặng Dương

(Dân trí) - Sở Công Thương Lâm Đồng đề xuất không yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Trung Nam - Krông Nô "buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp". Tuy nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng không đồng ý.

Ngày 1/6, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết Sở Công Thương Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam - Krông Nô (Công ty Trung Nam) báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh từ năm 2016 đến 2023 vào ngày 24/5, để làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính.

Trước đó, Sở Công Thương Lâm Đồng có đề xuất chỉ "phạt tiền" chứ không "buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp", nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng không đồng ý về yêu cầu thực hiện đúng quy định.

Cụ thể, ngày 8/3, Sở Công Thương Lâm Đồng đã lập đoàn kiểm tra tại Thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3 thuộc Công ty Trung Nam.

Lâm Đồng bác đề xuất của Sở Công Thương liên quan thủy điện Trung Nam - 1

Dự án thủy điện Krông Nô 3 của công ty Trung Nam (Ảnh: Trungnamgroup).

Tại thời điểm kiểm tra, 2 công trình thủy điện trên chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình trước khi đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật, vi phạm Nghị định số 134/2013 ngày 17/10/2013 của Chính phủ và Nghị định số 17/2022 ngày 31/1/2022 của Chính phủ.

Đối với hành vi vi phạm này, ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, Công ty Trung Nam còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là "buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp" và "buộc phải kiểm định chất lượng công trình đối với phần công trình hoặc toàn bộ công trình đã kết thúc thi công hoặc đã nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng".

Ngày 24/4, Sở Công Thương Lâm Đồng có Văn bản 954 xin ý kiến UBND tỉnh về việc không áp dụng biện pháp "buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp" đối với hành vi vi phạm của Công ty Trung Nam.

Đơn vị này nêu ra rất nhiều lý do để đề xuất không áp dụng biện pháp khắc phục này. Trong đó viện dẫn năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã từng "bỏ" biện pháp "buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp" đối với 4 đơn vị khác có hành vi vi phạm tương tự.

Cũng theo Sở Công Thương Lâm Đồng, để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "buộc nộp lại số lợi bất hợp", cơ quan áp dụng phải căn cứ các quy định, tính cụ thể về số lợi bất hợp pháp. Tuy nhiên, hiện nay lại không có quy định cụ thể về tính toán số lợi bất hợp pháp trong hoạt động thủy điện.

Đáng lưu ý, Sở Công Thương Lâm Đồng cho rằng 2 công trình thủy điện của Công ty Trung Nam đi vào hoạt động gần 7 năm qua, nếu buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp này vẫn còn đang trong quá trình trả nợ vay tiền đã đầu tư để xây dựng thủy điện cho các tổ chức tín dụng.

Trước đề xuất của Sở Công Thương, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản trả lời không thống nhất với đề xuất của Sở này. Tỉnh này yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện đúng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện.

Nhiều đơn vị khác cũng vi phạm

Theo Công ty Trung Nam, trong những năm qua, 2 công trình thủy điện đã đóng góp hơn 1,1 tỷ kWh điện vào điện lưới, nộp ngân sách hơn 261 tỷ đồng. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trước những vi phạm mà cơ quan chức năng Lâm Đồng chỉ ra, công ty này thừa nhận thiếu sót văn bản nghiệm thu.

Tuy nhiên không chỉ Công ty Trung Nam mà nhiều doanh nghiệp khác tại Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận đang gặp phải những vấn đề tương tự.

Theo lý giải của công ty này, nguyên nhân dẫn đến vi phạm là trước khi Nghị định số 17/2022 ngày 31/1/2022 có hiệu lực thì Nghị định số 134/2013 ngày 17/10/2013 của Chính phủ không quy định xử phạt về hành vi này.

Do đó các doanh nghiệp đã chủ quan, thiếu nghiên cứu để hoàn tất thủ tục gửi văn bản đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ban hành văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình thủy điện trước khi đưa vào hoạt động khai thác.

Cũng theo Công ty Trung Nam, dự kiến tháng 6 này, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo sẽ kiểm tra Công trình thủy điện Krông Nô 2 và thủy điện Krông Nô 3.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm