Ninh Thuận
Trung Nam là chủ đầu tư dự án điện mặt trời 450MW kết hợp đường dây 500KV
(Dân trí) - Tỉnh Ninh Thuận chọn Trungnam Group là chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời 450MW kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500KV Thuận Nam và các đường dây 500KV, 220KV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
Lần đầu tiên tư nhân đầu tư đường dây 500KV
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ký quyết định thống nhất chọn Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) là chủ đầu tư để hoàn tất thủ tục pháp lý, trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời 450MW (tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam) kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500KV Thuận Nam và các đường dây 500KV, 220KV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Ninh Thuận yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các nội dung đã cam kết, nhất là về tiến độ triển khai dự án, chất lượng công trình, cơ chế giá điện; bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam/Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia quản lý; đấu nối, giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực.
Trước đó, chính phủ cũng đã quyết định bổ sung dự án nhà máy điện mặt trời 450MW tại huyện Thuận Nam vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Theo quyết định này, việc triển khai nhà máy kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500KV Thuận Nam và các đường dây 500KV, 220KV đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia, đưa vào vận hành đồng bộ trong năm 2020 để truyền tải, giải tỏa hết công suất các dự án năng lượng tái tạo trọng khu vực.
Nói về việc được chọn làm chủ đầu tư dự án, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trungnam Group nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành năng lượng Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân được đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng, chung tay góp sức vào sự phát triển ngành năng lượng nước nhà, đưa nghị quyết 55 (Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045) đi vào cuộc sống".
Theo tờ trình của Bộ Công Thương trước đó, dự án nhà máy điện mặt trời sử dụng khoảng hơn 550ha, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2020. Tổng mức đầu tư dự án hơn 11.800 tỷ đồng, trong đó nhà máy điện mặt trời khoảng gần 9.500 tỷ đồng, trạm biến áp và đường dây đấu nối khoảng hơn 2.300 tỷ đồng.
Về phương án đấu nối, giai đoạn 2020 lắp trước 2 máy biến áp 900MVA vận hành đồng bộ với nhà máy, 1 máy biến áp dự phòng cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo đấu nối lên lưới điện khu vực trong tương lai.
Đầu tư đường dây 500KV mạch kép từ trạm biến áp 500KV nhà máy điện mặt trời 450MW về trạm biến áp 500KV Vĩnh Tân, dài 15,5km. Xây dựng 4 mạch đường dây 220KV từ trạm biến áp 500KV nhà máy điện mặt trời rẽ nhánh lên trục đường dây 220KV Tháp Chàm - Vĩnh Tân, dài khoảng 1km.
Giải pháp cấp bách, tránh thiệt hại cả ngàn tỷ đồng cho địa phương
Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận vào tháng 10/2019, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 2.000MW điện mặt trời địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án với tổng công suất 1.817MW, tổng vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng.
Toàn tỉnh đã có 18 dự án vận hành thương mại với tổng công suất 1.180MW gồm 15 dự án điện mặt trời (1.063MW), 3 dự án điện gió (117MW). Các nhà máy năng lượng tái tạo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân.
Tuy nhiên, có 10/18 dự án (359MW) với tổng vốn đầu tư 10.504 tỷ đồng, phải giảm phát đến 60% công suất (tương ứng 215MW) để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài những năm tiếp theo sẽ gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và thu ngân sách địa phương.
Tính đến ngày 30/6/2019, lượng điện giảm phát khoảng 23,2 triệu KWh với tổng số tiền thiệt hại khoảng 49,5 tỷ đồng. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục, ước tính 6 tháng cuối năm 2019 sẽ giảm phát lên đến 224 triệu KWh, tương đương con số thiệt hại là hơn 479 tỷ đồng.
Tại Ninh Thuận, khả năng giải tỏa công suất chỉ đáp ứng được 800MW, trong khi đó hiện có khoảng 1.180MW dự án năng lượng tái tạo vận hành, làm quá tải lưới điện 110KV, khiến các nhà máy phải giảm phát.
Trong khi đó, hầu hết các dự án đầu tư công trình lưới điện 110KV, 220KV theo quy hoạch điều chậm tiến độ, do đó việc giải tỏa công suất 2.000MW đến hết năm 2020 trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn.
Do đó, UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cấp thẩm quyền quan tâm, xem xét đồng ý chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời 450MW kết hợp hạ tầng truyền tải trạm biến áp 500KV Thuận Nam và đường dây đấu nối lên lưới điện quốc gia.
Sau khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư sẽ bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, đồng thời không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, đây là giải pháp cấp bách trong việc giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo.
Dương Phong