Làm BOT: Doanh nghiệp chỉ chăm chăm lợi ích của mình
(Dân trí) - Theo nhận xét của đại biểu Bùi Văn Xuyền, trong đầu tư BOT đang có chuyện không minh bạch, chỉ chăm chăm lợi ích của doanh nghiệp chứ không nghĩ tới lợi ích của Nhà nước và người dân, dân phải kêu nhiều vì phí cao. Yêu cầu đặt ra là phải chấn chỉnh lại quản lý và công khai để người dân vào giám sát, tránh tham ô, tiêu cực.
Liên quan đến việc chênh lệch lớn giữa số thu phí trên thực tế và con số báo cáo tại các trạm thu phí BOT tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) đánh giá, không chỉ tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ mà việc thu phí tại các trạm BOT nói chung hiện nay đang gây bức xúc trong dư luận.
Sự quan tâm của xã hội với vấn đề “nóng” này thể hiện rất rõ qua những phát biểu của đại biểu Quốc hội tại nghị trường. Vấn đề đầu tư và thu phí BOT cũng đã được đưa vào dự kiến chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2017.
“Không thể phủ nhận việc kêu gọi các nhà đầu tư BOT đã tạo ra bộ mặt mới về cơ sở hạ tầng giao thông, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao các nhà đầu tư chỉ thích và đổ xô đầu tư vào đường bộ, trong khi đường sắt, đường thuỷ... trong tình trạng ế ẩm?
Cũng theo nhận xét của ông Xuyền, hiện BOT mới chỉ tập trung vào đường bộ, nhà đầu tư xếp hàng xin làm, trong khi đường sắt, đường thuỷ có mời cũng chẳng nhà đầu tư nào ngó ngàng. Rõ ràng là ở đây phải thấy có lợi thì doanh nghiệp mới đổ vốn vào làm, chứ không như một chủ doanh nghiệp than rằng làm BOT là “lấy công làm lãi”.
Rồi chuyện phí BOT thu quá cao, có sự tận thu phí hay không khi chặn đường, chặn cầu của dân, buộc họ phải đi qua những đoạn đường thu phí? Cũng như nhiều vấn đề thiếu minh bạch trong đầu tư BOT... khiến người dân và dư luận bức xúc. Thậm chí, đặt câu hỏi có hay không lợi ích nhóm trong việc đầu tư, thu phí BOT hiện nay?” – đại biểu Bùi Văn Xuyền nói.
Vị đại biểu cũng nói thêm: “Ở đây có chuyện không minh bạch, chỉ chăm chăm lợi ích của doanh nghiệp chứ không nghĩ tới lợi ích của Nhà nước và người dân, dân phải kêu nhiều vì phí cao”.
Riêng với dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, những khoản thu lớn từ phí BOT được tiết lộ sau quá trình kiểm tra, giám sát đột xuất của cơ quan chức năng đã đặt ra nhiều dấu hỏi về chuyện thu phí tại dự án này.
Trong thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội với việc đầu tư, thu phí BOT, ông Xuyền cho rằng, phải có quy hoạch đầy đủ tầm quốc gia, địa phương xem dự án nào nên làm BOT và lấy ý kiến người dân. Quy hoạch cũng phải tính toán, khi xây dựng các tuyến đường BOT, người dân có sự lựa chọn nào khác không, hay lại chặn đường buộc họ phải trả phí BOT, như vừa rồi dư luận phản ánh và bức xúc?
“Chứ hiện nay chúng ta không có quy hoạch. Cơ sở hạ tầng xuống cấp nên đang hô hào thiếu vốn theo trào lưu. Nếu không có quy hoạch cụ thể, rõ ràng và minh bạch thì vẫn sẽ còn tình trạng người dân bức xúc không có đường để đi”, ông Xuyền nhận xét.
Phản ánh mối băn khoăn của cử tri, ông Xuyền đặt câu hỏi: Ngân sách Nhà nước, tiền thuế của dân đầu tư vào đâu, làm gì? Thuế bảo trì đường bộ thu rồi làm gì? Minh bạch hiện chưa làm được: Minh bạch từ đấu thầu BOT, suất đầu tư trên 1 km đường là bao nhiêu? Thu phí bao lâu thì hoàn vốn? Nếu công khai thì sẽ tính toán và so sánh được giữa các vùng miền và trong tương quan khu vực, thế giới, từ đó người dân cũng có thể giám sát.
“Hoạt động sản xuất kinh doanh không minh bạch dẫn tới tham ô, tiêu cực thì phải chấn chỉnh lại quản lý và công khai để người dân vào giám sát... Doanh nghiệp huy động được vốn là tốt nhưng vốn ấy có đúng bản chất không? Là vốn vay ngân hàng hay vốn bảo lãnh Chính phủ, thu công khai minh bạch như thế nào? Hoàn vốn ra sao? Phải có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước về mức thu phí, không thể để tình trạng doanh nghiệp kêu lỗ, khó khăn là lại đề xuất tăng thu hoặc tự ý tăng thu như trường hợp vừa qua báo chí phản ánh”, vị đại biểu nêu quan điểm.
Ngoài ra, đại biểu Bùi Văn Xuyền cũng cho biết, ông cảm thấy lo lắng khi đọc báo cáo của Chính phủ, vốn làm BOT chủ yếu đều là vốn vay ngân hàng, vốn bảo lãnh Chính phủ chứ không phải vốn trực tiếp của chủ đầu tư.
“Có khi là Nhà nước đầu tư nhưng tiền lại vào túi doanh nghiệp. Còn khoản vay vốn ngân hàng, nếu chẳng may doanh nghiệp vỡ nợ thì có khi Nhà nước lại phải ôm khoản nợ đó, chứ chúng ta có cơ chế phá sản đâu. Đây là câu chuyện đặt ra”, vị đại biểu lo ngại.
Bích Diệp