Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về tất cả các dự án BOT
(Dân trí) - Cử tri phản ánh tại một số dự án BOT có tình trạng mức nộp phí cao, nộp phí để hoàn vốn cho tuyến giao thông mà người dân không sử dụng, gây bức xúc và tạo gánh nặng rất lớn cho người dân và doanh nghiệp. Do vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội việc triển khai thực hiện tất cả các dự án BOT, trong đó làm rõ những tồn tại, bất cập và hướng xử lý trong đầu tư, quản lý, thu phí.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) vừa ký ban hành Báo cáo thẩm tra về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm.
Tại báo cáo này, ông Hải cho hay, qua giám sát và kiến nghị của cử tri thấy rằng, việc xây dựng các dự án BOT đang có nhiều bất hợp lý, nhiều tuyến giao thông quan trọng, duy nhất được Chính phủ cho phép thực hiện dự án BOT để tổ chức thu phí thiếu quy hoạch, quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, đội vốn quá cao.
Bên cạnh đó, có tình trạng mức nộp phí cao, nộp phí để hoàn vốn cho tuyến giao thông mà người dân không sử dụng, gây bức xúc và tạo gánh nặng rất lớn cho người dân và doanh nghiệp, tăng chi phí cho sản xuất kinh doanh trong nước không hợp lý, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Do đó, trong báo cáo thẩm tra, UBTCNS đã đề nghị Chính phủ rà soát và chấn chỉnh nội dung này, đồng thời báo cáo Quốc hội việc triển khai thực hiện tất cả các dự án BOT, trong đó làm rõ những tồn tại, bất cập và hướng xử lý trong đầu tư, quản lý, thu phí đối với các dự án BOT, nhất là các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu nửa đầu năm đạt thấp (ước đạt 72 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2015). Theo UBTCNS, bên cạnh nguyên nhân khách quan còn một số nguyên nhân chủ quan trong quá trình tổ chức thực hiện, điều hành thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Cụ thể, theo ủy ban, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do ở các nước, các khu vực có sự khác nhau về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi, dẫn đến bất cập, khó khăn trong điều hành của thị trường trong nước. Các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước từ đó được hưởng lợi chính sách về thuế khi nhập khẩu xăng, dầu từ Hàn Quốc ngay trong quy định về căn cứ tính giá cơ sở.
"Việc áp dụng các mức thuế khác nhau giữa các mặt hàng có cùng bản chất kinh tế, có thể sử dụng thay thế nhưng có mức thuế suất khác nhau, tạo ra kẽ hở, khó khăn trong công tác quản lý, đồng thời dẫn đến việc giảm thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu", báo cáo của UBTCNS nêu.
Trong báo cáo này, UBTCNS cũng đánh giá, trong khi thu NSNN từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2015 và thu từ khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015 thì số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ đạt 94,5% so với cùng kỳ năm 2015 là chưa hợp lý.
Ngoài nguyên nhân do giá dầu, khí giảm mạnh, thu cổ tức từ DNNN đạt thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DNNN trong một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn còn có nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý nguồn thu dẫn đến số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt thấp nhưng chưa được đề cập trong báo cáo của Chính phủ.
Báo cáo của UBTCNS lưu ý, trong thời gian vừa qua, đầu tư ra nước ngoài của một số doanh nghiệp với số vốn gia tăng, trong đó có một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều dự án đầu tư không hoặc khó thu hồi được vốn.
UBTCNS đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ kết quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp, nhất là của các DNNN và tác động của hoạt động đầu tư kinh doanh ra nước ngoài đến tăng trưởng GDP trong nước và số thu NSNN.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, số thu nội địa 6 tháng đầu năm ước đạt 383,2 nghìn tỷ đồng, bằng 48,8% dự toán, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2015. Tiến độ các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong những tháng đầu năm 2016 cơ bản đều đạt khá so dự toán và cao hơn cùng kỳ năm trước. Có 18 địa phương tiến độ thu đạt thấp (dưới 50% dự toán), trong đó có 6 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 do một số nguyên nhân khách quan.
Bích Diệp