Lãi suất tiền gửi ngân hàng nào cao nhất đầu tháng 7?
(Dân trí) - Tính đến ngày 3/7, mức lãi suất huy động trên 8%/năm chỉ còn một nhà băng áp dụng. Một số ngân hàng áp lãi suất cao cho khoản gửi... 1.500-2.000 tỷ đồng.
Theo khảo sát biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm truyền thống của hơn 30 ngân hàng thương mại của phóng viên Dân trí, tính đến ngày 3/7, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trung bình ở mức 7%/năm, giảm 0,38 điểm % so với thời điểm cuối tháng 5 và giảm hơn 1,4 điểm % so với đầu năm.
Ngân hàng Big 4 neo lãi suất thấp, ngân hàng quy mô nhỏ đẩy cao
Sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 từ ngày 19/6, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng kéo giảm xuống còn 4,75%/năm. Các ngân hàng cũng đồng loạt điều chỉnh giảm 0,1-1 điểm % lãi suất ở tất cả các kỳ hạn so với tháng trước, thiết lập một mặt bằng lãi suất huy động mới.
Tại thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, các ngân hàng như VIB, ABBank, BVBank, NCB… đều niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại quầy ở trên mức 8%/năm. Sang đến đầu tháng 7, mức lãi suất trên 8%/năm trở thành "hàng hiếm" trên thị trường, đa phần chỉ xuất hiện khi đi kèm các điều kiện đặc biệt.
Tính riêng kỳ hạn 12 tháng tại quầy, CBBank hiện trả lãi suất 8,1%/năm, đây là đơn vị duy nhất và cũng là ngân hàng trả lãi suất cao nhất tính đến ngày 3/7. Theo sau là BaoVietBank với 7,7%/năm, BacABank, OCB, VietBank và BVBank cùng áp dụng mức 7,6%/năm.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) niêm yết lãi suất tiết kiệm 12 tháng ở mức 6,3%/năm, thuộc nhóm thấp nhất hệ thống.
Gửi 2.000 tỷ đồng tỷ đồng trở lên mới có lãi suất "khủng" 11,5%/năm
Với mức lãi suất có kèm theo điều kiện, PVcomBank cho biết sẽ áp dụng mức lãi suất 11,5%/năm với khoản tiền trên 2.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 12 và 13 tháng. Trường hợp số dư tiền gửi dưới 2.000 tỷ đồng, ngân hàng này hiện áp dụng lãi suất 7,2%/năm.
ABBank áp dụng mức lãi suất 10,9%/năm cho khoản tiền gửi trên 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Mức lãi suất này chỉ được áp dụng khi có sự chấp thuận của lãnh đạo ngân hàng.
Tương tự, NamABank áp dụng lãi suất 8,5%/năm cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng kỳ hạn 36 tháng. Tuy nhiên, khoản tiền gửi này cũng cần được sự phê duyệt của lãnh đạo ngân hàng.
Với khoản tiền trên 300 tỷ đồng, HDBank trả lãi suất 8,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 9,3%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
Tại OCB, khi gửi trên 50 tỷ đồng, lãi suất áp dụng đối với các khoản tiền gửi điện tử kỳ hạn 6 tháng được cộng thêm 0,3 điểm %/năm lên 7,6%/năm và kỳ hạn 12 tháng được cộng thêm 0,1 điểm %/năm lên 7,7%/năm.
Lãi suất huy động nửa cuối năm ra sao?
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng tiền gửi của khách hàng tính đến cuối tháng 4 đạt hơn 11,98 triệu tỷ đồng, tăng hơn 43.000 tỷ đồng so với cuối tháng 3. Trong đó, tiền gửi của dân cư giữ đà tăng trưởng, nhưng mức tăng chậm lại nếu so với các tháng trước đó.
Tiền gửi của người dân tại các ngân hàng tăng thấp nhất trong 6 tháng qua, tăng 52.000 tỷ đồng trong tháng 4 lên hơn 6,33 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm hơn 8.800 tỷ đồng, xuống còn 5,65 triệu tỷ động.
Đánh giá về các kênh đầu tư, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng tiền gửi tiết kiệm sẽ kém hấp dẫn hơn trong nửa cuối năm. Đơn vị này dự báo lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể sẽ giảm về mức 6,5-6,8%/năm vào cuối năm và xuống thấp hơn nữa trong năm 2024.
Ngoài ra, VNDirect cũng cho rằng lãi suất huy động có ít khả năng điều chỉnh mạnh trong thời gian tới khi mà nhu cầu tín dụng có thể sẽ tăng tốc và áp lực tỷ giá có thể quay trở lại khi mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang giữ lãi suất điều hành ở mức cao.
Về phía Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhóm chuyên gia nhận định có nhiều yếu tố giúp mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế sụt giảm nhanh từ đầu năm đến nay như diễn biến tỷ giá, lạm phát… kết hợp với động thái 4 lần hạ lãi suất điều hành và mua vào dự trữ ngoại hối của cơ quan quản lý tiền tệ.
Công ty này cho rằng xu hướng giảm lãi suất này vẫn sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm 2023, dù dư địa để mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm mạnh là không lớn. Lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại về quanh mức 6,7%/năm.
Lãi suất cho vay theo đó cũng sẽ có xu hướng giảm dù có độ trễ (do chi phí huy động vốn của ngân hàng cần thời gian để hạ, rủi ro nợ xấu khi nền kinh tế suy yếu, nhu cầu tín dụng thấp), mức giảm 1-1,3 điểm %/năm so với đầu năm.
Trước đó, ngày 28/6 Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất tiền gửi, niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại các địa điểm thuận tiện gửi tiền theo quy định. Theo đó, các đơn vị cần triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Cơ quan quản lý tiền tệ cũng tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.