Lãi suất ngân hàng có lúc cao hơn... "chợ đen"

(Dân trí) - Kết quả kiểm toán hoạt động của các ngân hàng thương mại do Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy, có thời điểm lãi suất ngân hàng “vượt mặt” thị trường chợ đen lên 37,5%/năm.

Trong báo cáo kiểm toán năm 2012 mà Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội có đánh giá về công tác điều hành, thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại.

Lãi suất cho vay có lúc lên gần 40% (ảnh: An Hạ).
Lãi suất cho vay có lúc lên gần 40% (ảnh: An Hạ).

Có giao dịch lãi suất tới 37,5%/năm

Theo kết quả kiểm toán, về cơ bản Ngân hàng Nhà nước đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ, điều hành lãi suất dần phù hợp với thị trường, đảm bảo ổn định tỷ giá theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, kiểm soát được lạm phát... Song lạm phát cả năm vẫn ở mức cao, vượt so với chỉ tiêu Quốc hội đã điều chỉnh; nhu cầu vốn giá rẻ cho nền kinh tế chưa được đáp ứng đầy đủ, tỷ lệ nợ xấu liên tục tăng.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động cho vay tái cấp vốn chưa kịp thời và đẩy đủ. Theo dẫn chứng từ Kiểm toán nhà nước, một số hồ sơ tái cấp vốn chưa được giám sát việc sử dụng vốn vay theo thông báo của Thống đốc.

Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn vi phạm tỷ lệ an toàn theo quy định nhưng chưa được cảnh báo, ngăn ngừa và chấn chỉnh kịp thời. Trong đó có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Tín vi phạm từ 9 tháng đầu năm 2011 nhưng đến 29/11/2011 Ngân hàng Nhà nước mới thành lập tổ giám sát.

Hay như theo kết quả kiểm toán, việc điều hành thị trường liên ngân hàng còn hạn chế, không kiểm soát được mức lãi suất cao bất thường. Trong năm 2011, tại một số thời điểm xuất hiện một số giao dịch cho vay, gửi tiền liên ngân hàng lãi suất cao, như: trong tháng 3/2011 có giao dịch với lãi suất 23%/năm, tháng 10/2011 có giao dịch với lãi suất 30%/năm, tháng 11/2011 có giao dịch với lãi suất 37,5%/năm, trong khi lãi suất huy động trên thị trường I năm 2011 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tối đa 14%/năm.

Hồ sơ vay vốn không chặt chẽ

Với các ngân hàng thương mại, theo kết quả kiểm toán, cơ bản đã chấp hành đúng quy định của Nhà nước về hoạt động cho vay, mức tăng trưởng tín dụng. Song, tại một số đơn vị, việc thu thập và hoàn thiện hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế trước khi cho vay chưa đầy đủ và việc kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay chưa chặt chẽ như tại BIDV, MHB.

Một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp, trong đó Kiểm toán Nhà nước yêu cầu BIDV giảm nợ nhóm 1 là 178,9 tỷ đồng; nhóm 2 là 261,6 tỷ đồng và tăng nợ nhóm 3 là 257,6 tỷ đồng, nhóm 4 là 0,4 tỷ đồng, nhóm 5 là 182,6 tỷ đồng. Tại MHB, ngân hàng này phải giảm nợ nhóm 1 là 221 tỷ đồng, nhóm 4 là 19 tỷ đồng và tăng nợ nhóm 2 là 200 tỷ đồng, nhóm 3 là 12 tỷ đồng và nhóm 5 là 47 tỷ đồng.

Theo kết quả kiểm toán, một số ngân hàng cho vay trên thị trường liên ngân hàng có nợ quá hạn cao. Điển hình số dư tiền gửi đến 31/12/2011 của MHB tại các tổ chức tín dụng khác là 11.737,8 tỉ đồng, trong đó số quá hạn chưa thu được phải gia hạn là 1.157 tỉ đồng và hơn 4 triệu USD. Báo cáo cũng chỉ ra tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng còn cao như: BIDV 2,96% (chưa bao gồm nợ của Vinashin), MHB 2,49%.

Kết quả kiểm toán năm 2012 của Kiểm toán Nhà nước tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, ngân hàng này chưa thực hiện đầy đủ quy trình cho vay ưu đãi đối với các hoạt động cho vay của hộ nghèo, học sinh sinh viên khó khăn và cho vay giải quyết việc làm dẫn đến tình trạng có những khoản cho vay không đúng đối tượng, hồ sơ thủ tục chưa đầy đủ…

Về hoạt động tín dụng chính sách, báo cáo kiểm toán cho rằng, cơ bản đã đáp ứng được các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo vốn tương đối kịp thời cho các đối tượng chính sách đủ điều kiện vay vốn khi có nhu cầu vay, hệ số sử dụng vốn bình quân cao (đạt 96,27% tổng nguồn vốn). Tuy nhiên, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội còn thiếu và cơ chế tạo lập chưa có tính ổn định lâu dài, nhu cầu vốn để phục vụ các chương trình an sinh xã hội được Nhà nước giao lớn nên Ngân hàng Chính sách Xã hội còn gặp nhiều khó khăn và không chủ động được nguồn vốn khi thực thi nhiệm vụ.

Nguyễn Hiền