Lãi suất cơ bản giảm còn 13%
(Dân trí) - Kể từ ngày mai 21/10, lãi suất cơ bản bằng VND giảm từ 14% xuống còn 13%/năm trong khi lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng tăng lên 10%/năm.
Hôm nay 20/10, Ngân hàng Nhà nước đã cùng lúc ban hành 4 quyết định nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, chủ động hạn chế tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững.
Trần lãi suất giảm còn 19,5%
Theo Quyết định số 2316/QĐ-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký ngày 20/10, lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam kể từ ngày mai sẽ giảm từ 14% xuống 13%/năm. Theo đó, các tổ chức tín dụng được phép duy trì trần lãi suất huy động và cho vay không vượt quá 19,5%/năm.
Quyết định giảm lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước ra đời trong bối cảnh chỉ số lạm phát đang được kiềm chế tối đa, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 chỉ tăng có 0,18% và dự báo cho thấy tháng 10 này tăng khoảng 0,2%. Trên thực tế, trước khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cơ bản xuống 13%, hàng loạt các ngân hàng thương mại đã giảm khá mạnh lãi suất huy động và cho vay bằng VND.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động bằng VND của các ngân hàng thương mại quốc doanh tuần qua phổ biến ở mức 16,64%/năm (kỳ hạn 3 tháng), 16,74%/năm (kỳ hạn 6 tháng), 16,8%/năm (kỳ hạn 12 tháng).
Khối ngân hàng thương mại cổ phần có mức lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng cao hơn, phổ biến mức 17,33%/năm và 17,14%/năm, ngược lại, lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ phổ biến ở mức 16,52%/năm.
Lãi suất cho vay bằng VND tại khối ngân hàng thương mại cổ phần phổ biến mức 20%/năm (ngắn hạn) và 20,3%/năm (trung và dài hạn); của khối ngân hàng thương mại quốc doanh là 19,12%/năm và 19,7%/năm .
Tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc lên gấp đôi
Nhằm tạo tính thanh khoản ở các nguồn vốn chế định cho khối ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định số 2321/QĐ-NHNN quy định lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, với mức tăng từ 5% lên 10%/năm.
Cùng với đó, Quyết định số 2318/QĐ-NHNN cũng quy định lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15 xuống 14%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 13% xuống 12%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng giảm từ 15%/năm xuống 14%/năm.
Và cũng kể từ ngày mai, theo nước Quyết định số 2317/QĐ-NHNN, Ngân hàng Nhà nước thanh toán trước hạn 20.300 tỷ đồng tín phiếu dưới hình thức bắt buộc phát hành kể từ ngày 17/3/2008 theo nhu cầu rút trước hạn của các tổ chức tín dụng.
Ngăn ngừa rủi ro từ khủng hoảng tài chính toàn cầu
Cùng với 4 quyết định trên, Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tại Chỉ thị số 05/2008/CT-NHNN ngày 9/10 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về một số biện pháp đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng; trong đó, chú trọng các biện pháp ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra do tác động của khủng hoảng tài chính và dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu, chấp hành đúng quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh.
Các ngân hàng cần đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, trên cơ sở khả năng huy động vốn ở trong và ngoài nước, đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và tiếp tục điều chỉnh cơ cấu tín dụng để tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư khả thi, có hiệu quả và khả năng trả nợ đúng hạn.
“Mục đích của việc thực hiện các giải pháp nêu trên là nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đảm bảo khả năng huy động vốn và thanh toán, hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền