Kỳ vọng của cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Năm 2010 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp

(Dân trí) - Với những cải cách thể chế kinh tế như xây dựng Luật Doanh nghiệp, xoá bỏ giấy phép con, tiếp cận với doanh nghiệp, đội ngũ tư vấn chính sách và mở cửa quốc tế, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng kỳ vọng năm 2010, Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp.

Hồi tưởng về người lãnh đạo Chính phủ giai đoạn đầu đổi mới, hội nhập, cố Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trợ lý đặc biệt của Thủ tướng, Trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng xúc động chia sẻ với Dân trí.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (1933 - 2018) được xem là người kỹ trị, gần dân và trọng doanh nghiệp.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (1933 - 2018) được xem là người kỹ trị, gần dân và trọng doanh nghiệp.

Thưa ông, người ta nhắc nhiều đến vai trò của ông Khải ở xây dựng Luật Doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế ổn định, ông có thể chia sẻ những đánh giá của mình đối với đường lối chính sách, cách làm của cố Thủ tướng?

- Từ khi ông Khải là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các cuộc gặp gỡ của ông ấy với những người làm kinh tế, doanh nghiệp đã luôn diễn ra và từ đó khiến các chính sách, quyết sách của Chính phủ ra đời sau đó rất đúng và trúng.

Đến khi ông Võ Văn Kiệt rời nhiệm sở, thì ông Phan Văn Khải đã thực hiện rất tốt vai trò gặp gỡ doanh nghiệp rồi. Ngay từ thời gian đầu khi ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng ông ấy đã mời cả một số nhà khoa học để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp.

Ngay sau đó, thấy có quá nhiều khó khăn, vướng mắc trong chính sách phát triển được các chuyên gia, doanh nghiệp nêu ra, ông Khải chỉ đạo việc xây dựng Luật Doanh nghiệp. Luật xây dựng, trình Quốc hội và có hiệu lực từ năm 2000.

Luật Doanh nghiệp có mấy điểm mới mà ông Khải là người đầu tiên đưa ra là nhân dân được phép làm mọi thứ mà luật pháp không cấm. Công chức chỉ được làm những thứ mà Nhà nước cho phép.

Tư tưởng này hoàn toàn mở cửa bởi trước đây dân muốn làm gì, nhất là kinh doanh phải đủ mọi phép tắc, luật lệ đến nỗi khổ không làm được.

Đặc biệt, thời ông Khải, Chính phủ đã chỉ đạo làm kiêm quyết việc tiền kiểm phát triển hậu kiểm và đặc biệt là cắt bỏ giấy phép con khiến cho doanh nghiệp hồ hởi, nền kinh tế có nhiều động lực sau mở cửa, bước vào thời kỳ tăng trưởng rất tốt.

Để thực hiện các chính sách vừa mới vừa mở, thời ấy chắc chắn lực cản tư duy và bộ máy là rất lớn, vậy nguyên Thủ tướng và các cộng sự của ông đã làm gì để Luật đi vào cuộc sống, thay nếp nghĩ, đổi cách nhìn, thưa ông?

- Sau khi xây dựng Luật Doanh nghiệp, để kiểm tra chính bộ máy của Chính phủ, ông Khải cho lập luôn Tổ Công tác đặc biệt. Lực lượng nòng cốt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Ban Nghiên cứu của Thủ tướng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... là những nơi đóng góp nhiều vai trò và sức ảnh hưởng nhất đối với cải cách sau này.

Từ khi ban hành Luật và đi vào cuộc sống, năm nào Thủ tướng cũng gặp lại các doanh nghiệp. Kết quả của việc đổi mới đường lối chính sách thế nào thì họ nói thẳng. Bên cạnh đó ông Khải cũng là người khi đi công tác ở nước ngoài thường kéo nhiều doanh nghiệp đi.

Ra được một văn bản Luật là tiền đề cho các bộ luật tiếp theo và các chính sách sau này, Ban Nghiên cứu và cá nhân ông đã từng có đánh giá định lượng để đo lường được kết quả hay không?

- Gần 20 năm rồi tôi vẫn nhớ, thời gian khi ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, nền kinh tế có 1 bước phát triển rất khá. Đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế 16 năm từ năm 1991 đến 2006 (từ khi ông Khải làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng) đến khi ông Khải rời nhiệm sở), có 8 năm GDP tăng trên 8%, 3 năm GDP tăng trưởng từ 7-8% và 2 năm GDP là 6-7%/năm.

Như vậy, tăng trưởng trên 7% là khoảng 13 năm, tất nhiên thời kỳ ông Khải làm Phó Thủ tướng, thì ông không phải là người ra quyết định chính, nhưng càng về sau này khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt chuẩn bị về hưu thì ông Khải đã được giao "làm quen" với nhiều chính sách kinh tế và có những tham mưu kịp thời để Chính phủ ra quyết sách đúng.

16 năm kể từ khi ông Khải vào làm Chính phủ, tới một nửa số năm trên 8%, kèm theo đó ở thời điểm này Chính phủ đã lo xây dựng các chính sách, văn bản, các quy định pháp luật để giúp cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô giúp xây dựng nền móng vững chắc.

Thời kỳ ông Khải lãnh đạo Chính phủ cũng là giai đoạn chỉ số giá tiêu dùng ổn định ở mức thấp nhất. CPI từ 5% đến 8% chỉ trong 2 năm, còn lại là toàn bộ các năm đều duy trì ở ngưỡng dưới 5%. Như vậy, tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp, nền kinh tế bước đầu hội nhập đã giữ được ở mức tương đối ổn định; chăm lo luật pháp, chính sách vĩ mô được xây dựng, ổn định kinh tế và chăm lo phát triển kết cấu hạ tầng.

Là người trực tiếp tham gia rất nhiều vào tư vấn chính sách cho Thủ tướng trên cương vị Trưởng Ban Nghiên cứu Thủ tướng, ông đánh giá như thế nào về kết quả chính sách được ban hành khi ấy, có thực sự hiệu quả hay không?

- Luật Doanh nghiệp mới ra đời nhưng văn bản dưới luật làm rất gọn, sau đó có Tổ Công tác đến các Bộ thảo luận khi ý kiến không thống nhất thì báo cáo Thủ tướng, ông Khải quyết ngay là loại giấy phép nào.

Sau thời điểm đó sự phát triển của DN tư nhân có định hướng và con đường khá rõ nét. Chính vì thế mà kỳ vọng của Thủ tướng Phan Văn Khải là có thể ngay từ năm 2010, chúng ta sẽ đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp rồi.

Thời kỳ đất nước mới bước ra khỏi cấm vận, mở cửa hội nhập vốn trong nước không được bao nhiêu, Chính phủ lấy khẩu hiệu “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và cho đến bây giờ khẩu hiệu ấy vẫn hoàn toàn đúng, những việc DN không thể tự lo được mà phải có Nhà nước trợ giúp.

Một điều mà chúng tôi biết là thời gian khi lãnh đạo Chính phủ, ông Khải đã sớm phát hiện nền kinh tế chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng dựa vào tài nguyên, vốn; phần dựa vào năng suất lao động, con người còn kém. Tuy nhiên, nỗ lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng thời ông Khải chưa làm được nhiều.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền

Kỳ vọng của cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Năm 2010 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp - 2