Kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn “phát triển dồn ép”
(Dân trí) - WB đánh giá, trong khi Việt Nam đã sẵn sàng để phát triển nhanh chóng, đất nước sẽ đối mặt với những thách thức và nút thắt để phát triển bền vững, đòi hỏi cấp thiết phải có những cải cách tổng thể về cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang trải qua một làn sóng công nghiệp hóa và thay đổi về cấu trúc chưa từng có, đất nước đang bước vào giai đoạn “phát triển dồn ép”, tạo ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách.
"Thanh niên đang rời các vùng quê đến các khu đô thị, rời bỏ nông nghiệp để đến với công nghiệp và dịch vụ. Trong khi Việt Nam đã sẵn sàng để phát triển nhanh chóng, đất nước sẽ đối mặt với những thách thức và nút thắt để phát triển bền vững, đòi hỏi cấp thiết phải có những cải cách tổng thể về cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh, cũng như trong các biện pháp chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp", WB đánh giá.
Theo WB, mặc dù có xuất phát điểm thấp, ngành công nghệ hiện đang bùng nổ, một phần là nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể từ các công ty công nghệ. FDI được coi là chất xúc tác cho tăng trưởng và phát triển với những hiệu ứng lan tỏa có thể xảy ra với kinh tế địa phương, đặc biệt là với những nước có tích lũy vốn thấp.
Tuy nhiên, phần lớn vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng vận hành một cách khép kín, tạo ra rất ít hy vọng về chuyển giao công nghệ hoặc hiệu ứng lan tỏa xuôi dòng tới các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, mô hình phát triển hiện tại của Việt Nam về cơ bản khác biệt so với các nước công nghiệp hóa mới nổi, như Hàn Quốc. Quốc gia này phát triển toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu thiết kế, sản xuất các chi tiết, đến lắp ráp và phân phối. Ở Hàn Quốc, những tập đoàn kinh tế lớn (chaebol) đóng vai trò quan trọng trong việc tập trung và phối hợp hoạt động trên các ngành, bao gồm cả điện tử dân dụng và thiết bị vận tải.
Tại Việt Nam, ngược lại, trọng tâm không phải là phát triển toàn diện chuỗi cung ứng của quốc gia, mà là phát triển năng lực ở những khâu cụ thể tạo thành một phần của chuỗi cung ứng, với các công việc khác nhau thực hiện ở những địa điểm khác nhau.
Ví dụ, hoạt động quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử tập trung vào lắp ráp các chi tiết nhập khẩu từ những nước khác (chủ yếu là châu Á), và phụ thuộc phần lớn vào sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài đối với việc cung cấp các dịch vụ từ trụ sở chính, bao gồm việc phối hợp giữa các nhà cung cấp và phát triển sản phẩm.
"Các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài mang đến những nhà máy mới, tiên phong, các thiết bị, phương pháp tổ chức công việc, hệ thống ICT cũng như các kết nối với thị trường toàn cầu. Như vậy, với một nước đang phát triển như Việt Nam, họ mang lại những khả năng vượt lên trên những gì doanh nghiệp địa phương có thể làm được", WB nhận xét.
WB cho rằng, vấn đề Việt Nam hiện đang đối mặt không phải là lựa chọn “đúng” doanh nghiệp hay ngành cho 20 năm tới, mà là sắp đặt đúng vị trí cấu trúc, thể chế và hạ tầng để tạo nên một nền kinh tế tư nhân mạnh mẽ, trong đó các nguồn lực có thể dịch chuyển nhanh chóng về phía những doanh nghiệp có sức cạnh tranh, nhờ vậy họ có thể tăng trưởng và phát triển, từ đó tăng thu nhập quốc dân. Đồng thời cũng cần cải thiện tình hình thị trường lao động và giúp hấp thụ những lao động dư thừa tự do trong quá trình tăng năng suất của ngành nông nghiệp.
"Trong bối cảnh toàn cầu, với việc Việt Nam đang trải qua một quá trình tăng trưởng dồn ép, thách thức chính sách là cần nhận diện những sự can thiệp chiến lược để hỗ trợ và củng cố hoạt động của cơ chế thị trường, đồng thời sửa chữa các thất bại thị trường và đặc biệt hỗ trợ hình thành các ảnh hưởng ngoại lai tích cực ở mức độ ngành và nền kinh tế nói chung", WB nhìn nhận.
Phương Dung