Kinh tế Triều Tiên có thực sự phát triển dưới lệnh trừng phạt?

(Dân trí) - Những con số nói lên tốc độ phát triển kinh tế của Triều Tiên được công bố những năm gần đây phần nào đã được thổi phồng vì lý do chính trị.

Những con số tăng trưởng của Bình Nhưỡng có thể bị thổi phồng vì lý do chính trị.
Những con số tăng trưởng của Bình Nhưỡng có thể bị thổi phồng vì lý do chính trị.

Nền kinh tế Triều Tiên có đang thực sự phát triển dưới sự trừng phạt không? Đó là điều mà một nhà kinh tế ở Bình Nhưỡng nêu câu hỏi.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Kyodo, ông Ri Gi Song, đại diện Viện Kinh tế Bình Nhưỡng tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội cho rằng, GDP bình quân đầu người của Bắc Hàn tăng 3,7% trong năm 2017, một năm mà quốc gia này hầu như bị cấm vận xuất khẩu, và phải đối mặt với những điều kiện rất khắc nghiệt để nhập khẩu các nguồn lực quan trọng như dầu và nhiên liệu. Khi gia tăng dân số, tăng trưởng GDP của nước này cũng chỉ giảm nhẹ xuống còn 3,2%, nhưng nhìn chung vẫn trong phạm vi vững chắc.

Theo ông Ri, xem xét số liệu tăng trưởng GDP là một cách không khách quan để đo lường sự tăng trưởng và tiến bộ kinh tế lâu dài, bền vững của Triều Tiên. Trong khi nghe có vẻ nó đều là những biện pháp trừng phạt tiêu cực, nhưng có thể nó cũng thúc đẩy nền kinh tế theo một cách khác.

Ví dụ, việc cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên có thể đã thúc đẩy các ngành công nghiệp nhất định. Do xuất khẩu than giảm mạnh nên giá than mà Triều Tiên bán trong nước cũng như quốc tế đều được giảm nhiều, thấp hơn nhiều so với khi nó có thể được bán với số lượng lớn hơn trên một thị trường cạnh tranh khác.

Vì vậy, với mức giá thấp hơn cho các nguyên vật liệu sản xuất, ngành công nghiệp chắc chắn có thể tăng trưởng trong ngắn hạn. Nhưng điều này sẽ chỉ là một sự thúc đẩy tạm thời và vô nghĩa, vì những tổn thất từ ​​hàng tồn kho ở nước ngoài còn lớn hơn nhiều.

Nói cách khác, điều này có thể đúng một phần, nhưng con số tăng trưởng của Bình Nhưỡng cũng có thể bị thổi phồng vì lý do chính trị.

Mặc dù những con số kinh tế của Bắc Triều Tiên đã trở nên công khai và phong phú hơn trong vài năm qua, vẫn có những mệnh lệnh chính trị trong việc công bố số dữ liệu này khiến Bình Nhưỡng có vẻ kiên cường hơn khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Ông Ri cho biết, GDP Triều Tiên đã đạt 30,70 tỷ USD trong năm 2017, tăng từ 29,60 tỷ USD trong năm 2016. Rất hiếm khi Triều Tiên tiết lộ con số GDP của mình và cũng là lần đầu tiên dữ liệu GDP của quốc gia này trong 2 năm qua được công bố.

Nhưng không thể xác minh tính chính xác của các số liệu, vì ông Ri đã không đưa ra các chỉ số kinh tế được công khai khác như chỉ số tiêu dùng, đầu tư và tỷ lệ lạm phát.

Mặc dù một báo cáo được công bố bởi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết vào tháng 7 rằng, nền kinh tế của Bắc Triều Tiên đã giảm 3,5% trong năm 2017 so với năm trước, ông Ri vẫn nhún vai và nói rằng, tính toán của Seoul “chỉ là một ước tính”.

Ông Ri đã đúng khi nói rằng con số được công bố bởi phía Hàn Quốc là ước tính nhưng vấn đề là, con số chính thức tại Triều Tiên của ông Ri cũng chỉ là ước tính. Ngay cả trong tình huống tốt nhất, không có con số GDP nào chắc chắn và chính xác.

Tuy nhiên, trong trường hợp Triều Tiên, không thể so sánh được nước này với các nền kinh tế thị trường tự do mở cửa, dân chủ.

Ngoài ra, ông Ri cho biết, dân số của Triều Tiên đã tăng lên 25.287.000 người vào năm ngoái từ con số 25.159.000 trong năm 2016. Dựa trên số liệu, GDP bình quân đầu người của quốc gia này ở mức 1.214 USD/người vào năm ngoái, tương đương với Myanmar.

Theo đại diện Viện Kinh tế Bình Nhưỡng, để vượt qua những tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế, Triều Tiên đã phát triển các công nghệ khác nhau theo tinh thần tự lực, và thực hiện các biện pháp tiết kiệm dầu thô.

Dù cũng thừa nhận rằng Triều Tiên đang thiếu lương thực, nhưng ông Ri cũng nhấn mạnh rằng các ngành công nghiệp nặng và nhẹ hay ngành hóa chất đều đang phát triển tại đây và điện năng đã được cải thiện.

Hồng Vân (Tổng hợp)

Kinh tế Triều Tiên có thực sự phát triển dưới lệnh trừng phạt? - 2