Kinh tế hồi phục nhanh, tăng trưởng tín dụng hơn 8% sau 5 tháng

Việt Đức

(Dân trí) - Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá việc tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với cùng kỳ cho thấy nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đang hồi phục nhanh sau đại dịch.

Chia sẻ tại buổi cập nhật thông tin hoạt động ngành ngân hàng tổ chức ở TPHCM chiều 18/6, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay đạt khoảng 8,2%, cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước. Con số này chứng tỏ sự phục hồi nhanh của nền kinh tế, doanh nghiệp. Ngành ngân hàng cũng đã định hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cần ưu tiên từ đầu năm. 

Với dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản được quan tâm thời gian qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết hoạt động cho vay các bất động sản tự sử dụng, tự kinh doanh tăng nhanh hơn nhiều so với tín dụng đổ vào các dự án lớn, bất động sản kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ sự điều hướng của dòng vốn vào nền kinh tế tốt hơn.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết chủ trương chung là luôn kiểm soát rủi ro với những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao. Do đó, ngành ngân hàng phải kiểm soát rủi ro dòng vốn chảy vào bất động sản ở những phân khúc dự án lớn, dự án có tính chất đầu cơ còn việc đầu tư vào các lĩnh vực như nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, cải tạo chung cư cũ vẫn được khuyến khích.

Kinh tế hồi phục nhanh, tăng trưởng tín dụng hơn 8% sau 5 tháng - 1

Tính đến ngày 9/6, tín dụng của toàn ngành ngân hàng tăng trưởng khoảng 8,15% (Ảnh: Tiến Tuấn).

Với vấn đề nóng là lạm phát, lãi suất ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, thừa nhận việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ chịu thách thức khi thị trường toàn cầu đang có nhiều biến động, nhất là sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa tăng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng mạnh nhất từ năm 1994. Lạm phát trên toàn cầu, đặc biệt ở nhiều quốc gia lớn cũng ghi nhận mức tăng rất cao.

Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp.