Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
Doanh nghiệp đến ngân hàng nào cũng bị từ chối cho vay phải tự xem lại mình
(Dân trí) - Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định các tổ chức tín dụng luôn sẵn sàng cho vay với những dự án khả thi, hiệu quả. Bản thân từng ngân hàng tự quyết định việc giải ngân, không ai có thể can thiệp.
Quản lý rủi ro, không phải siết hay thắt chặt
Trao đổi đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội ngày 7/6, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tái khẳng định cơ quan quản lý ngành ngân hàng chưa bao giờ có văn bản chính thức chỉ đạo siết hay thắt chặt tín dụng vào bất động sản.
Ông Tú cũng cho rằng việc một số ý kiến phản ánh ngành ngân hàng chặn đường phát triển của doanh nghiệp phát triển bất động sản là "nặng quá". Quan điểm trên được ông Tú trình bày tại hội thảo do báo Thanh niên tổ chức mới diễn ra tại TPHCM.
Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước luôn có hai mục tiêu chính là đảm bảo thực hiện các mục tiêu vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, không rơi vào tình trạng yếu kém. Do đó, Ngân hàng Nhà nước luôn phải kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn của nền tài chính quốc gia.
Với lĩnh vực bất động sản, thời gian qua có hiện tượng đầu cơ, kể cả lũng đoạn thị trường, thổi giá nhưng theo ông Tú vẫn có nhiều doanh nghiệp có năng lực thật sự. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định tất cả dự án có hiệu quả thực dù quy mô lớn hay nhỏ đều được các tổ chức tín dụng xem xét cho vay, không hề có chuyện khống chế không cho vay với dự án lớn.
Tuy nhiên, ông Tú chỉ ra phần lớn các dự án bất động sản cần nguồn vốn trung, dài hạn trong khi huy động vốn của các ngân hàng phần lớn là ngắn hạn. Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo những chỉ tiêu về an toàn vốn, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, hạn mức cho vay đối với một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp.
"Ngân hàng Nhà nước không có siết hay thắt gì cả. Quyền quyết định là của ngân hàng thương mại, không ai can thiệp việc cho vay hay không cho vay cả. Theo cơ chế thị trường thì ngân hàng có quyền lựa chọn doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng có quyền lựa chọn ngân hàng, không vay ngân hàng này thì vay ngân hàng khác. Còn nếu doanh nghiệp đến ngân hàng nào mà cũng bị từ chối thì phải tự xem lại", ông Tú nói. Các dự án chưa vay vốn được cần làm việc thẳng thắn với ngân hàng thương mại để tìm giải pháp.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin tín dụng vào bất động sản từ đầu năm đến hết tháng 4 vẫn tăng trưởng bình thường khoảng 10,2%, nhỉnh hơn mặt bằng tăng trưởng tín dụng chung. Theo ông, lĩnh vực bất động sản đang chiếm gần 20% tổng dư nợ của nền kinh tế, cứ 100 đồng cho vay có khoảng 20 đồng của bất động sản nên không thể nào nói Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước không quan tâm đến lĩnh vực này được.
Ngân hàng nói cho vay bình thường, doanh nghiệp lại than khó
Tại hội thảo, đại diện một số ngân hàng như VietinBank, BIDV, OCB cũng khẳng định vẫn sẵn sàng giải ngân đối với các dự án tốt, có tính hiệu quả cao của chủ đầu tư có năng lực, đặc biệt cho vay với người mua nhà có nhu cầu ở thực.
Tuy nhiên, từ góc độ doanh nghiệp bất động sản, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Địa ốc Vạn Xuân Nguyễn Minh Nhật cho rằng các chủ đầu tư đang gặp khó khăn thật sự trong việc huy động vốn, không chỉ từ tín dụng ngân hàng mà cả các kênh khác như trái phiếu, quỹ đầu tư, khách hàng.
Ông cho biết vừa qua nghe Ngân hàng Nhà nước thông tin không hề siết tín dụng vào bất động sản mà chỉ kiểm soát rủi ro rất vui mừng, đại diện các ngân hàng cũng nói cho vay bình thường nhưng thực tế khi làm việc lại thấy không bình thường.
Ông Nhật cho rằng doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất cao từ ngân hàng, miễn sao có thể đạt được mục tiêu kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tại các thông tin về tín dụng có phần nhiễu loạn, mỗi ngân hàng lại nói mỗi kiểu khiến bản thân doanh nghiệp gặp khó để dự báo môi trường kinh doanh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản nên dịch chuyển định hướng huy động vốn dài hạn trên thị trường vốn, còn thị trường tiền tệ với hệ thống ngân hàng thương mại chỉ là kênh cấp vốn ngắn và trung hạn.