Kinh tế châu Á năm Rồng: Lạc quan và cẩn trọng

Trong tử vi phương Đông, 2012 là năm Rồng nước, sẽ là năm của sự chuyển giao, bất ổn và thay đổi, Rajiv Biswas - nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của IHS Global Insight nhận định.

Kinh tế châu Á năm Rồng: Lạc quan và cẩn trọng - 1
 
Các nền kinh tế châu Á  - Thái Bình Dương chắc chắn sẽ phải đối mặt với những bất ổn lớn trong năm 2012 với sự suy thoái dần dần của khu vực đồng euro từ cuối năm 2011 trong khi đà phục hồi của kinh tế Mỹ, mặc dù đã được thúc đẩy nhiều trong những tháng gần đây, vẫn chỉ ở mức trung bình. Năm Rồng Nhâm Thìn cũng sẽ là một năm đánh dấu bởi những thay đổi về chính trị, với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và Pháp cũng như sự thay đổi lãnh đạo tại Trung Quốc.

 

Bất chấp những bất ổn về chính trị và kinh tế của kinh tế toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ tiếp tục là khu vực tăng trưởng nhanh nhất trong các nền kinh tế thế giới trong năm 2012, với mức tăng trưởng tăng từ 4,5% năm 2011 lên 5,3% trong năm 2012.

 

Dự báo này dựa trên kịch bản trung tâm mà IHS Global Insight đưa ra cho nền kinh tế, rằng khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ trải qua một cuộc suy thoái nhẹ trong năm 2012 với GDP giảm 0,7% trong khi Mỹ vẫn tăng trưởng trung bình nhưng tích cực ở mức 2%.

 

Các trụ cột hỗ trợ

 

Có 3 yếu yếu tố quan trọng củng cố khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Thứ nhất, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phục hồi tích cực trong năm 2012.

 

Thứ hai, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được kỳ vọng sẽ có cú hạ cánh mềm trong năm 2012 với mức tăng trưởng trung bình 7,8% chứ không suy giảm mạnh như nhiều người lo ngại. Nhu cầu nội địa được kỳ vọng sẽ củng cố đà tăng trưởng kinh tế khi các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ đã tăng 17,3% trong tháng 11 năm ngoái và đầu tư vào các tài sản cố định tháng 11 đã tăng 21,2% trong năm qua.

 

Chính phủ Trung Quốc cũng đã khởi động chương trình xây dựng 36 triệu nhà ở cho hộ gia đình có thu nhập thấp trong giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu hoàn thành 10 triệu căn nhà trong năm 2011. Tăng trưởng trong nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hoá xuất khẩu từ các nước khác trong khu vực châu Á sẽ giúp giảm thiểu những tác động của nhu cầu xuất khẩu yếu hơn từ khu vực châu Âu đang suy thoái nặng nề.

 

Thứ ba, kinh tế Nhật Bản được kỳ vọng sẽ bật tăng trở lại ở mức trung bình trong năm 2012 nhờ sự bình thường hóa sản xuất công nghiệp và tác động của kích thích tài chính khi công cuộc tái thiết sau thảm họa bắt đầu. Sản xuất công nghiệp của Nhật được dự báo sẽ tăng 9,5% trong năm 2012 sau khi giảm 2,8% trong năm 2011. Đà tăng trưởng trở lại của Nhật Bản là yếu tố quan trọng thứ ba giảm thiểu tác động của sự suy thoái trong khu vực đồng euro.

 

Các liên kết yếu

 

Khả năng phục hồi của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - những nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều hơn các nền kinh tế Đông Á như Singapore, Malaysia và Hong Kong - dự kiến sẽ trải qua mức tăng trưởng kinh tế trung bình do nhu cầu của khu vực đồng euro yếu hơn.

 

Ấn Độ cũng sẽ có động lực tăng trưởng mềm do tác động của 13 lần tăng lãi suất kể từ tháng 3/2010 khi Ngân hàng dự trữ Ấn Độ phải vật lộn với áp lực lạm phát dai dẳng.

 

Tuy nhiên, ở bất cứ nơi nào trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, áp lực lạm phát cũng đang giảm dần. Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Việt Nam nằm trong số các quốc gia có mức lạm pháp thấp hơn trong vài tháng gần đây.

 

Triển vọng cho năm 2012 đối với hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á ở khu vực mới nổi là theo đuổi lập trường chính sách bền vững hơn khi áp lực lạm phát giảm cũng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

 

Các yếu tố rủi ro

 

Rủi ro lớn nhất đối với triển vọng của khu vực vẫn đến từ khu vực đồng euro.

 

Nỗ lực của các chính phủ trong khu vực đồng tiền chung châu Âu nhằm ổn định nền kinh tế đã thất bại, khu vực này sẽ lấn sâu thêm vào khủng hoảng kinh tế. Bất kỳ  một sự phát triển nào cũng có tiềm năng kích hoạt một cuộc suy thoái toàn cầu với những cú sốc nghiêm trọng và tiêu cực đối với các nền kinh tế châu Á do thương mại thế giới suy giảm. Điều này cũng khiến cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu sâu sắc hơn và mang lại những rủi ro về vốn từ các thị trường mới nổi.

 

Rủi ro thứ hai đối với khu vực châu Á - Thái Bình dương có thể xảy ra nếu kinh tế Trung Quốc trải qua một cuộc hạ cánh nặng nề với mức tăng trưởng GDP giảm xuống dưới 5%.

 

Trong khi khả năng kịch bản hạ cánh nặng nề của Trung Quốc vẫn còn đó, sự mất cân bằng và các lỗ hổng trong nền kinh tế Trung Quốc lại vẫn tiếp tục tăng trong hai năm qua. Một lỗ hổng đến từ việc mở rộng 50% tín dụng ngân hàng trong năm 2009-2010, kèm theo sự gia tăng nhanh chóng trong các khoản vay của chính quyền địa phương, dự kiến sẽ khiến các khoản vay trung hạn của khu vực ngân hàng Trung Quốc trở thành nợ xấu.

 

Vì thế, mặc dù triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy khả năng phục hồi trong năm 2012, những rủi ro và bất ổn vẫn sẽ ám ảnh các nền kinh tế suốt năm Rồng.

 

Theo Bảo Linh

VEF/BBC

Dòng sự kiện: Xuân Nhâm Thìn 2012