1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu trên thương mại điện tử

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Tọa đàm "Thương mại điện tử: Cửa sáng cho doanh nghiệp lội ngược dòng" do báo Dân trí tổ chức vào 9h ngày 29/6, chia sẻ những giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu ở lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Trái ngược với mức tăng trưởng có phần khiêm tốn của nền kinh tế nói chung, hoạt động thương mại điện tử vẫn phát triển mạnh mẽ với tốc độ trên 22% so với cùng kỳ, theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM). Dự báo cả năm, đà phát triển của ngành vẫn có thể đạt trên 25% với quy mô trên 20 tỷ USD và duy trì tốc độ này trong giai đoạn 2023 - 2025.

Theo báo cáo của tổ chức Kepios (Tổ chức chuyên theo dõi người dùng trực tuyến trên thế giới), số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam năm 2022 là 72 triệu, tăng thêm 3,4 triệu người so với năm trước, chiếm 73% tổng dân số, trong đó, 52 triệu người đang sử dụng thương mại điện tử, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2022. Chi tiêu hàng năm cho thương mại điện tử là 12,4 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cũng cho thấy, hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử. Riêng năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có giá trị khoảng 23 tỷ USD, thì có 14 tỷ đến từ thương mại điện tử, tăng đến 26% so với cùng kỳ. Dự báo đến năm 2025, tỷ trọng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số sẽ còn tăng lên, đạt hơn 65% - tương ứng với giá trị khoảng 32 tỷ USD. eMarketer thậm chí xếp Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Với đà tăng trưởng vượt trội, thương mại điện tử được đánh giá là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế nói chung và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, làm cách nào để có thể khai thác hiệu quả kênh bán hàng đầy tiềm năng này không phải là bài toán dễ dàng với mọi doanh nghiệp.

Trước bối cảnh này, Báo Dân trí tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Thương mại điện tử: Cửa sáng cho doanh nghiệp lội ngược dòng".

Trong chương trình, các khách mời sẽ cùng phân tích cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp có thể đối mặt trên thị trường thương mại điện tử hiện nay; cũng như chia sẻ một số giải pháp, góp ý nhằm giúp các đơn vị tận dụng hiệu quả thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ, phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu.

Khách mời của chương trình là những diễn giả có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu, gồm Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa - chuyên về thương hiệu và marketing, Đại học Kinh tế TPHCM - và ông Bùi Huy Dũng - Giám đốc Điều hành Công ty Accesstrade.

Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu trên thương mại điện tử - 1

Tọa đàm phát sóng trực tiếp trên Báo Dân trí vào lúc 9h ngày 29/6. Chương trình có sự đồng hành của nhãn hàng Habeco.

Độc giả quan tâm đến chủ đề này, có thể theo dõi và đặt câu hỏi tương tác với khách mời tại đây:

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm