Kinh doanh chênh lệch lãi suất
Nhiều năm liền đồng yen Nhật có lãi suất 0%. Các nhà đầu tư tìm cách vay đồng yen, sau đó đổi sang các đồng tiền khác như USD hoặc euro và gửi vào ngân hàng để hưởng lãi. Hình thức kinh doanh này được gọi là carry trade, tức kinh doanh chênh lệch lãi suất.
Ở Việt Nam, carry trade cũng đang phổ biến khi mà lãi suất tiền đồng đang thấp hơn lãi suất USD khoảng 2,5-3,9 điểm phần trăm/năm. Các nhà đầu tư tìm vay USD, sau đó chuyển sang tiền đồng và gửi vào ngân hàng để hưởng chênh lệch.
Việc tiền đồng mất giá chỉ có chưa tới 0,16% kể từ đầu năm đến nay càng khiến cho hình thức carry trade trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, không phải ai muốn vay USD đều được vì các quy định liên quan khá chặt và sắp tới sẽ còn chặt hơn.
Các ngân hàng có vẻ có lợi thế hơn vì họ được quyền mua và bán, huy động và cho vay ngoại tệ. Dĩ nhiên, theo quy định hiện hành, ngân hàng phải duy trì một trạng thái ngoại hối ở mức (+/-) 30%.
Nói một cách nôm na, khi ngân hàng lấy USD do khách hàng gửi vào để bán thì lúc này trạng thái ngoại hối của ngân hàng là âm. Ngược lại, khi ngân hàng mua USD (để cho vay) thì trạng thái lúc này là dương. Cả hai trạng thái trên không được vượt quá 30% vốn tự có của một ngân hàng. Khi mua và bán bằng nhau tức ngân hàng đang duy trì thế cân bằng.
Hiện tại, nhiều ngân hàng đang duy trì một trạng thái âm, tức lấy USD do khách hàng gửi vào để bán. Mặc dù âm nhưng chỉ chút đỉnh vì ít khách hàng mua USD. Vốn nước ngoài vào Việt Nam, kể cả trực tiếp và gián tiếp, muốn đầu tư được phải chuyển thành tiền đồng.
Họ bán USD cho ngân hàng, nhưng ngân hàng mua USD rồi bán cho ai? Ít khách mua, ngân hàng hạ giá USD xuống. Đó là lý do đô la tăng giá rất ít so với tiền đồng thời gian qua (chưa tới 0,16%) trong khi chỉ tiêu trước đây của Ngân hàng Nhà nước là 1%/năm. Chỉ tiêu này giờ đã được điều chỉnh xuống còn một nửa, tức chỉ còn 0,5%.
Quay trở lại với câu hỏi ngân hàng bán USD cho ai, Ngân hàng Nhà nước gần đây đã hạn chế mua USD vì sợ bơm thêm tiền ra nền kinh tế, châm thêm dầu vào lạm phát hiện đã ở mức khá cao.
Còn doanh nghiệp và cá nhân thì không thích mua mà chỉ thích vay, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Vì thế, nó cũng giải thích tại sao vốn nước ngoài đổ vào nhiều nhưng các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động USD.
Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần cảnh báo các ngân hàng thương mại phải cân nhắc sử dụng USD “một cách hiệu quả, tránh mất cân đối” vì vốn huy động đô la thì chậm trong khi dư nợ cho vay USD lại tăng rất nhanh. Cảnh báo chỉ là cảnh báo, các ngân hàng chẳng biết làm gì hơn.
Ngân hàng Nhà nước đã giao cho Vụ Chính sách tiền tệ xin ý kiến để sửa đổi Quyết định 966/2003/QĐ-NHNN về đối tượng được vay ngoại tệ dự kiến sẽ hoàn tất trong nay mai. Theo quy định hiện tại, có (tám) đối tượng được vay ngoại tệ: để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; làm hàng xuất khẩu; chiết khấu chứng từ xuất khẩu; đi lao động nước ngoài; thực hiện các dự án đầu tư theo quyết định của Thủ tướng; trả nợ nước ngoài trước hạn; và để sản xuất, kinh doanh nhưng không có nguồn thu bằng ngoại tệ với điều kiện các ngân hàng đồng ý bán ngoại tệ hoặc khách hàng phải mua ngoại tệ kỳ hạn để trả nợ. Sắp tới, đối tượng được vay ngoại tệ có thể chỉ còn các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu. |
Theo Đức Luận
Thời báo Kinh tế Sài Gòn