Kiến nghị Thủ tướng cho doanh nghiệp được nhập vàng nguyên liệu

(Dân trí) - Từ hơn 2 năm nay, các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Điều này buộc các doanh nghiệp phải mua vàng trôi nổi trên thị trường, vô hình chung tiếp tay cho buôn lậu vàng.

Kiến nghị Thủ tướng cho doanh nghiệp được nhập vàng nguyên liệu
Nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm cho sản xuất hàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam hiện khoảng 10-15 tấn.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:



Báo cáo lên Thủ tướng, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, đến nay mới chỉ có một số doanh nghiệp lớn trong ngành tham gia xuất khẩu vàng trang sức. Mặc dù PNJ có nhiều thế mạnh về vàng trang sức, nhưng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này mới chỉ đạt trên 9 triệu USD/năm. So với tiềm năng thì con số đó được coi là còn rất khiêm tốn.

Từ hơn 2 năm nay, các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, mặc dù Nghị định 24/NĐ-CP cho phép. Điều này buộc các doanh nghiệp phải mua vàng trôi nổi trên thị trường, vô hình chung đã tiếp tay cho những kẻ buôn lậu vàng, tác động tiêu cực đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm cho sản xuất hàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam hiện khoảng 10-15 tấn.

Hiệp hội cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp vàng nguyên liệu thì vấn đề nhập siêu cũng không đáng ngại, bởi hoạt động xuất khảu vàng nữ trang sẽ góp phần tái tạo số lượng ngoại tệ đã được sử dụng để nhập khẩu vàng nguyên liệu, đồng thời góp phần giảm được chênh lệch giá vàng cũng như hạn chế nguy cơ nhập lậu vàng, kể cả vàng trang sức, mỹ nghệ.

Theo quy định hiện hành, chỉ có một số doanh nghiệp lớn có đủ điều kiện nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức và nếu nhập khẩu thì các doanh nghiệp này không được phép bán lại cho các doanh nghiệp khác. Như vậy, các doanh nghiệp còn lại không biết mua vàng nguyên liệu từ đâu, trong khi các doanh nghiệp này chiếm đa số. Vì vậy, theo Hiệp hội, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho tất cả doanh nghiệp việc tiếp cận mua vàng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Một khó khăn lớn nữa đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ là từ hơn 2 năm nay các doanh nghiệp không được tiếp cận với tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Hiệp hội cho rằng, nếu NHNN tháo gỡ hai nút thắt nói trên, thì không những tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có thể xuất khẩu được vàng trang sức, mỹ nghệ, mà còn góp phần kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế, giảm thiểu tình trạng nhập lậu vàng, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh của Chính phủ và chắc chắn giảm áp lực kinh doanh vàng miếng.

Việc chống vàng hóa, theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, không thể bằng giải pháp hành chính mà cái gốc là phải ổn định sức mua của VND, vận hành đồng bộ các chính sách, công cụ lãi suất, tỷ giá, các kênh đầu tư tài chính khác và cần nghiên cứu để khi có điều kiện thuận lợi chuyển hướng từ giao dịch vàng vật chất sang giao dịch các sản phẩm vàng khác như chứng chỉ vàng, vài tài khoản... tại Sở giao dịch vàng quốc gia. Tuy nhiên, việc tổ chức quản lý, giám sát rủi ro, nhất là kiểm soát mức độ tuân thủ trạng thái vàng cần có hành lang pháp lý chặt chẽ, hợp lý.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép thành lập các quỹ tín thác bằng vàng (ETF) như một công cụ tài chính quốc tế khi điều kiện cho phép, Hiệp hội đề xuất.

Bích Diệp
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước